Cấp bách nhưng… lỡ hẹn
Những ngày tháng 10, chúng tôi đã có dịp đi thực địa tại dự án đường dây 220 kV Nậm Sum – Nông Cống. Đây là dự án cấp bách được đầu tư xây dựng phục vụ mục đích nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của hệ thống điện khu vực miền Bắc. Đồng thời cụ thể hóa cam kết giữa Đảng và Chính phủ 2 nước Việt Nam – Lào trong tăng cường hợp tác năng lượng.
Cả tuyến đường dây nằm trên lãnh thổ Việt Nam có chiều dài gần 130 km gồm 2 mạch, đi qua các huyện Quế Phong, Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) và các huyện Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) với 299 vị trí cột, 99 khoảng néo. Toàn tuyến có đến 234/299 vị trí móng cột bị ảnh hưởng bởi rừng.
Dự án khởi công vào tháng 12/2021, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 10/2024. Tuy nhiên đến nay, mốc kế hoạch này vẫn “lỡ hẹn” dù đã nhiều lần điều chỉnh tiến độ. Như vậy, nếu tính cả thời gian lập, chuẩn bị hồ sơ, triển khai thi công xây dựng thì dự án này đã khoảng 5 năm.
Thi công dựng cột tại dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống. |
Theo ông Trần Kim Vũ – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc thuộc Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), khó khăn lớn nhất của dự án này là vấn đề giải phóng mặt bằng, trong đó liên quan nhiều đến các văn bản quy định của pháp luật, thủ tục hành chính, nhất là quy định liên quan đến rừng tự nhiên; Thứ hai là điều kiện thi công gặp khó khăn từ làm đường tạm, vận chuyển máy móc, vật tư, thiết bị; các yếu tố thời tiết khắc nghiệt; Thứ ba là năng lực của các nhà thầu. Bên cạnh đó, thời gian qua, nguồn nhân lực tập trung cho thi công đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối.
Còn đại diện nhà thầu thi công (Tập đoàn PC1) cho biết, thách thức của dự án này là các vị trí cột nằm ở khu vực phía Tây Thanh Hóa và Nghệ An có núi cheo leo, hiểm trở, việc tiếp cận vị trí gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt trong thời gian qua khu vực thường xuyên xảy ra mưa và lũ…cản trở tiến độ thi công. Theo thống kê trong tháng 9/2024 có đến hơn 20 ngày mưa, có thời điểm nước lũ dâng cao không thể thi công được. Nhiều vị trí móng sau khi vừa đào móng xong mưa làm đất đá trôi vào hố móng khiến việc thi công rất vất vả, phải làm đi làm làm nhiều lần.
Con theo ông Mai Đình Việt – Chỉ huy trưởng nhà thầu Tập đoàn Việt Á: Điều lo lắng nhất của đơn vị hiện nay chính là thời tiết. Trời mưa không chỉ cản trở tiến độ thi công đào đúc móng mà còn ảnh hưởng đến các đường công vụ vào để thi công. Bởi đây chủ yếu là rừng núi, việc mở đường công vụ khó khăn, khi mưa lũ khiến hiện trạng đường thay đổi không thể tiếp cận được vị trí nên phải xin ý kiến các cấp chính quyền mở đường công vụ mới, quá trình này cũng mất thời gian.
Liên quan đến dự án này, tại cuộc họp định kỳ của Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng (Ban Chỉ đạo nhà nước về năng lượng) về các dự án lưới điện ngày 6/11/2024 mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đoạn tuyến qua địa bàn huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An vẫn còn vướng do UBND huyện Quế Phong chưa phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ phần diện tích đất rừng tự nhiên của 112 hộ, trong đó 83 hộ thuộc xã Thông Thụ, 15 hộ thuộc xã Đồng Văn, 14 hộ thuộc xã Tiền Phong; Vướng 05 hộ dân trên địa bàn xã Mường Nọc, huyện Quế Phong có nhà cửa, công trình, cây cối nằm trong hành lang an toàn thuộc khoảng néo 97-100, đã phê duyệt phương án bồi thường, đã chi trả tiền nhưng chưa nhận tiền; đa số các hộ dân có cây cối nằm trong hành lang an toàn đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng không chặt hạ cây cối.
Dự án đường dây 220 kV Trạm cắt Nậm Sum – Nông Cống, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đoạn tuyến đường dây đi qua Trại giam Thanh Lâm với 11 vị trí đã hoàn thành đúc móng, dựng cột, hiện nay đang thi công kéo dây, tuy nhiên không chặt hạ được cây cối do cần phải xin ý kiến Bộ Công an về phương án thu hồi đất. Ngày 30/5/2024, UBND tỉnh Thanh Hoá đã có văn bản số 7583/UBND-KTTC gửi Bộ Công an về việc xin ý kiến phương án thu hồi đất các vị trí hướng tuyến của 11 vị trí móng cột đi qua Trại giam Thanh Lâm.
Và hàng loạt dự án điện vướng mắc
Không chỉ đường dây 220 kV Nậm Sum – Nông Cống gặp khó khăn, kéo dài thời gian thi công mà còn hàng loạt lưới điện truyền tải 220-500 kV quan trọng cấp bách thuộc diện Ban Chỉ đạo Nhà nước về năng lượng quản lý đôn đốc, chỉ đạo cũng đang gặp vướng mắc.
Nhà thầu chuẩn bị công tác kéo dây |
Đơn cử các dự án nhập điện Lào gồm đường dây 500 kV Monsoon – Thạnh Mỹ đang gặp khó khăn thi công trong hành lang tuyến vì 56 hộ dân thuộc các xã Tà Pơ và Tà Bhing cản trở kéo dây lý do các hộ dân này không được đền bù do canh tác trên đất rừng thuộc địa phương quản lý. Hay dự án Trạm cắt 220 kV Đăk Ooc và đường dây 220 kV đấu nối do cây rừng tự nhiên gẫy đổ vào phạm vi móng trụ cần nhiều cấp kiểm tra, báo cáo xin chủ trương…
Nhóm các dự án lưới điện đồng bộ nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 vẫn chưa thể triển khai theo kế hoạch mặc dù thời gian đóng điện, phát điện thương mại của nhà máy đã gần đến nơi. Theo kế hoạch, các nhà máy này sẽ vận hành thương mại lần lượt cuối năm 2024 và giữa năm 2025. Đến thời điểm hiện tại, công tác thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị đạt hơn 90%. Trong đó, NMĐ Nhơn Trạch 3 đã đấu nối cấp điện ngược và phát điện thử nghiệm, dự kiến phát điện thương mại vào tháng 5-2025.
Cấp bách là vậy nhưng đến ngày 6/11, UBND tỉnh Đồng Nai vẫn chưa hoàn thành phê duyệt bổ sung Quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất của huyện Nhơn Trạch; chưa ban hành các Quyết định về trình tự thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, giá đất, giá cây trồng vật kiến trúc theo Luật Đất đai số 31/2024/QH15 và các Nghị định hướng dẫn của Luật Đất đai.
Đối với dự án ĐZ 500 kV Nhơn Trạch 4 – rẽ Phú Mỹ – Nhà Bè bị các hộ dân cản trở thi công kéo dây vì chưa nhận được bồi thường hỗ trợ.
Đối với các dự án giải toả công suất nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 & 4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – Võ Văn Phi cho biết, đã tổ chức họp HĐND tỉnh để ban hành các quyết định về sử dụng đất. Hiện các địa phương đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh; đã ban hành các Quyết định về thu hồi, giá đất, đền bù giải phóng mặt bằng… Về các công tác phục vụ thi công đã bàn giao mặt bằng, đang triển khai dự kiến đến 15/11 sẽ hoàn thành.
Tuy nhiên theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, sở dĩ vướng là 2 yếu tố quan trọng gồm quy hoạch, chủ trương đầu tư; đồng thời trình tự thủ tục phức tạp nên không có cơ sở để địa phương triển khai. Do đó cần Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù cũng như có chính sách đền bù sao cho phù hợp theo hướng tăng lên.
Bài 2: Những kiến nghị xuất phát từ thực tiễn