Theo một cuộc thăm dò mới đây của Wall Street Journal/NORC, 1.502 người trưởng thành tại xứ cờ hoa cho biết có một khoảng cách rất lớn giữa mong muốn và khả năng giấc mơ Mỹ trở thành hiện thực.
Trong khi 89% số người được hỏi cho biết việc sở hữu một ngôi nhà là tối quan trọng với tầm nhìn tương lai, chỉ 10% thừa nhận việc mua chúng là dễ dàng. An toàn tài chính và một kỳ nghỉ hưu thoải mái được 96% và 95% coi là thiết yếu, song cũng chỉ có lần lượt 9% và 8% đánh giá là dễ đạt được.
Có thể thấy, đa số người Mỹ đều cảm nhận được rằng cơ hội thành công của họ đã giảm đi. “Giấc mơ Mỹ dường như đã nằm ngoài tầm với so với các thế hệ trước”, Emerson Sprick, nhà kinh tế tại Washington, DC, nói và cho biết sự suy giảm liên tục của lương hưu trong bối cảnh gia tăng chi phí sở hữu nhà là 2 trong số những thay đổi kinh tế lớn nhất trong thập kỷ.
Marquell Washington từng được dạy rằng bằng đại học là chiếc vé cuối giúp mình thoát khỏi khu phố nghèo. Anh là người đầu tiên trong gia đình đi học đại học, song cũng bỏ dở vào năm thứ 3 vì một số lý do cá nhân. Hiện Washington kiếm được khoảng 30.000 USD/năm nhờ công việc bán thời gian cho tổ chức phi lợi nhuận My Block, My Hood, My City. Thu nhập được cho là không đủ để anh trả nốt nợ chứ đừng nói gì đến mua nhà.
“Họ không nói cho bạn biết giấc mơ Mỹ khó khăn như thế nào”, Washington nói. “Bạn phải tự tìm ra câu trả lời”.
Khoảng 90% trẻ em sinh năm 1940 có cuộc sống khá giả hơn cha mẹ mình, theo nghiên cứu của giáo sư kinh tế Nathaniel Hendren thuộc Viện Công nghệ Massachusetts và nhà kinh tế Raj Chetty thuộc Đại học Harvard, song hiện nay, chỉ khoảng 50% trẻ em sinh vào những năm 1980 có thể tự tin đạt cuộc sống như vậy. “Việc bạn kiếm được nhiều tiền hơn cha mẹ mình hay không vẫn còn là một ẩn số”, báo cáo nhấn mạnh.
“Giấc mơ Mỹ ngày càng khó đạt được nếu xét về cả cơ hội thành công lẫn thoát nghèo”, nhà kinh tế Raj Chetty nói.
Richard Thomas và Cherish Celetti từng tự hào đã thực hiện được giấc mơ Mỹ khi mua căn hộ năm phòng ngủ ở Mount Vernon, New York với giá 612.000 USD vào năm 2017. Tuy nhiên, kể từ khi có con, chi phí hàng tháng tăng lên rất nhiều. Lạm phát cũng khiến hóa đơn, giá thực phẩm và bảo hiểm của gia đình 6 người này tăng phi mã.
Cả Thomas và Celetti hiện đều phải cắt giảm kế hoạch nghỉ mát. Họ biết rằng bán nhà – tài sản đã tăng gấp đôi giá trị – sẽ là lựa chọn tốt nhất, song nếu bán thì không biết sẽ đi đâu.
“Chúng tôi muốn nuôi dạy con cái ở đây, nhưng giấc mơ có thể làm được điều đó thực sự nằm ngoài tầm với”, Thomas nói. “Giấc mơ Mỹ giờ như ác mộng”.
Theo nghiên cứu của công ty dịch vụ bất động sản thương mại CBRE, việc sở hữu một ngôi nhà đã đắt hơn 47% so với đi thuê trong vòng 1 năm kết thúc vào tháng 6. Điều này khiến nhiều người không còn mặn mà với việc mua nhà.
Ông Stephen Parker – một nhà môi giới bất động sản tại thành phố Nashville, tiểu bang Tennessee vừa đăng bài cho thuê căn nhà di động trên một nền tảng trực tuyến đã nhận được tới 30 cuộc gọi liên hệ chỉ trong vòng một tuần.
Chia sẻ với Market Watch, ông cho biết bản thân không hề ngạc nhiên trước sự quan tâm mạnh mẽ của những người đi thuê. Mọi thứ đã được lường trước từ năm 2020 – khi Stephen Parker bắt đầu mua nhà với hy vọng đầu tư sinh lãi. Hiện ông là chủ một ngôi nhà di động nhỏ, 1 căn chung cư thông tầng và vài căn hộ dành cho gia đình đông thành viên.
Theo Giám đốc công ty bất động sản Newmark Henry Stimler, Mỹ đang dần trở thành một “quốc gia đi thuê nhà”. Đây không hẳn là một thay đổi tiêu cực vì việc thuê nhà sẽ linh hoạt và ít trách nhiệm hơn. Người đi thuê cũng có thể dễ dàng chuyển đến các thành phố khác.
Tại Des Plaines, Ill., Kevin Murphy, 31 tuổi, cũng phàn nàn rằng việc tìm kiếm bạn đời ngày nay rất khó bởi hẹn hò quá đắt đỏ. Anh không phải lúc nào cũng đủ khả năng trả toàn bộ bữa ăn và vì vậy, lo lắng rằng mình sẽ kém hấp dẫn hơn trong mắt bạn tình.
Trong cuộc thăm dò của WSJ/NORC, 62% số người được hỏi cho biết hôn nhân là điều cần thiết hoặc quan trọng đối với giấc mơ Mỹ. Chỉ có 47% trong số đó cho rằng điều này dễ dàng đạt được.
“Với tôi, giấc mơ Mỹ dường như xa vời hơn bao giờ hết”, Murphy nói và cho biết mình đặc biệt lo lắng về vấn đề bất bình đẳng giàu nghèo, vốn đã gia tăng theo thời gian.
Năm 1989, giá trị tài sản ròng điển hình của 10% hộ gia đình giàu nhất chỉ gấp chưa đến 15 lần giá trị tài sản ròng trung bình chung của tất cả người Mỹ. Năm 2022, con số này đã tăng lên 20.
Được biết, lãi suất thế chấp tại Mỹ bắt đầu tăng từ đầu năm 2022, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED liên tục nâng lãi suất cơ bản để vực dậy nền kinh tế. Điều này khiến số tiền người mua nhà cần phải trả hàng tháng tăng tới cả trăm USD, từ đó dần từ bỏ giấc mơ mua nhà. Khủng hoảng trong ngành ngân hàng cũng khiến họ chùn bước.
Chính phủ Mỹ đã nỗ lực xây thêm nhiều căn hộ để giải cứu nguồn cung, song giá nhà vẫn không hạ đủ thấp để tạo cơ hội cho những người thu nhập thấp. Rất nhiều người cảm thấy rằng họ đã đánh mất giấc mơ sở hữu một ngôi nhà hay làm giàu thông qua bất động sản.
Theo: WSJ