Không ít các nước xuất khẩu gạo tại châu Á đã phải đối mặt với áp lực giảm giá trong bối cảnh Ấn Độ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo. Theo đó, giá gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam và các nước như Thái Lan, Pakistan đều có xu hướng giảm 15 – 50 USD/tấn. Trong đó, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm từ 23 – 30 USD/tấn tùy loại, còn với giá gạo Việt Nam, mức điều chỉnh giảm từ 15 – 19 USD/tấn so với thời điểm trước khi Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì vị trí top đầu |
Tuy nhiên, gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì mức giá cao nhờ chuyển dịch sang các dòng gạo thơm dẻo, chất lượng và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 15/10, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đứng 537 USD/tấn; giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng ở mức 509 USD/tấn và giá gạo xuất khẩu 100% tấm ở mức 439 USD/tấn.
Tại Thái Lan, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đang đứng ở mức 498 USD/tấn; gạo 25% tấm đứng ở mức 480 USD/tấn; gạo 100% tấm đứng ở mức 436 USD/tấn.
Tại Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng ở mức 488 USD/tấn; giá gạo xuất khẩu 25% tấm ở mức 491 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Pakistan đứng ở mức 481 USD/tấn; gạo 25% tấm đứng ở mức 440 USD/tấn; gạo 100% tấm đứng ở mức 394 USD/tấn.
Dù có sự điều chỉnh giảm, nhưng theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, điều này không ảnh hưởng lớn đến chiến lược kinh doanh của họ. Bởi các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam như: ST25, ĐT8, OM18, 5451 hiện nay đang có giá xuất khẩu dao động từ 530 – 650 USD/tấn, thấp hơn so với gạo cùng chất lượng của các quốc gia khác, thường ở mức trên 700 – 900 USD/tấn.
“Đây là một lợi thế lớn khi các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể cung cấp sản phẩm chất lượng cao với giá hợp lý, đáp ứng tốt nhu cầu của các thị trường nhập khẩu lớn như: Philippines, Malaysia, và Indonesia”, đại diện doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Cần Thơ chia sẻ.
Ông Phạm Văn Thịnh – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuận Minh – thông tin, Ấn Độ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu không ảnh hưởng đáng kể đến thị trường gạo Việt Nam. Theo đó, gạo Ấn Độ chủ yếu được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm chế biến như bún, miến, bánh tráng, và thị trường Việt Nam đã có nguồn cung thay thế ổn định.
Còn theo ông Nguyễn Văn Nhật – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất khẩu Gạo Cần Thơ, chất lượng gạo thơm và gạo dẻo của nước ta vượt trội hơn so với gạo trắng của Ấn Độ, vốn thường chỉ được dùng cho các sản phẩm chế biến, điều này giúp Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế trên thị trường quốc tế, bất chấp sự cạnh tranh từ các nước như Thái Lan hay Pakistan.
Ông Phạm Thái Bình – Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) – cũng khẳng định, việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo chắc chắn ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo. Vì nguồn cung gạo sẽ dồi dào hơn, tuy nhiên không nên so sánh gạo 5% tấm của Việt Nam với gạo Ấn Độ.
Tên gạo 5% tấm của Việt Nam và Ấn Độ thì giống nhau nhưng chất lượng 5% tấm của Việt Nam hoàn toàn khác so với 5% tấm của Ấn Độ, Pakistan. Vì gạo 5% tấm của Việt Nam ngon, tươi, mới và hợp khẩu vị để dùng cho người dân ăn, còn gạo 5% tấm của Ấn Độ là hàng tồn kho nên các nước chỉ nhập khẩu về làm nguyên liệu chế biến thực phẩm.
Tại vựa lúa An Giang, giá lúa hiện đang dao động 6.900-7.000 đồng/kg lúa tươi. Nếu so với cùng kỳ, giá lúa đã giảm hơn 1.800 đồng/kg. Ông Phạm Thái Bình cũng dự báo giá lúa sắp tới chắc chắn bị ảnh hưởng, nhưng không ảnh hưởng gì đến xuất khẩu gạo của Việt Nam. Vì phân khúc gạo của Việt Nam tập trung vào gạo chất lượng cao, gạo hạt dài có giá trị cao hơn.
Các doanh nghiệp ngành lúa gạo nhận định, gạo Việt Nam khó giảm giá sâu, về dưới 500 USD/tấn. Bởi, các quốc gia như Philippines, Indonesia và Malaysia vẫn tăng mua mạnh, trong khi nguồn cung nội địa của nước ta còn không nhiều cho xuất khẩu.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, trị giá 4,37 tỷ USD (tăng 9,2% về lượng và tăng 23,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023). Giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam trong 9 tháng qua đạt 624 USD/tấn (tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023).
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết, hiện gạo Việt Nam đã có thị phần, giá trị, chất lượng tương đối ổn định. Hệ sinh thái trong chuỗi giá trị gắn với thị trường của ngành hàng lúa gạo Việt Nam vẫn được vận hành tương đối chặt chẽ, bài bản. Do đó, việc biến động do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được gỡ bỏ sẽ không ảnh lớn tới ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
“Xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến đạt 7-7,5 triệu tấn trong niên vụ tới. Các mặt hàng gạo hữu cơ, gạo thơm… của Việt Nam được nhiều nước ưa chuộng nhờ sản phẩm đa dạng và chất lượng, giúp duy trì giá bán cao hơn so với Ấn Độ và Thái Lan”, ông Phùng Đức Tiến thông tin.