Gấp rút sửa đổi Luật Điện lực tạo đà cho phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Nhà máy Nhiệt điện sông Hậu 1
Thu hút đầu tư vào ngành điện đang là vấn đề cấp bách. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính để gấp rút sửa đổi Luật Điện lực trong kỷ nguyên mới.

Sửa đổi để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng

Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc ở Trung Đông, tại cường quốc khí LNG (Qatar), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần trăn trở câu chuyện thúc đẩy sửa đổi Luật Điện lực của Việt Nam để đáp ứng được các điều kiện thu hút đầu tư vào ngành điện. Trong đó, Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp Qatar đầu tư vào năng lượng, như điện khí LNG – lĩnh vực phía doanh nghiệp Qatar có thế mạnh phát triển vào Việt Nam.

Các đối tác cũng bày tỏ sự quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào ngành điện của Việt Nam, qua đó cụ thể và hiện thực hóa các mục tiêu hợp tác. Tuy nhiên họ cũng khẳng định, chỉ đầu tư với điều kiện tiên quyết là phải có hành lang pháp lý rõ ràng, đủ hấp dẫn, làm cơ sở tính toán bài toán đầu tư. Quốc vụ khanh phụ trách về năng lượng Qatar Saad bin Sherida Al Kaabi nhấn mạnh, khó khăn nhất nằm ở pháp luật Việt Nam và mong chờ Luật Điện lực (sửa đổi) sớm được Quốc hội Việt Nam thông qua để làm nền tảng cho hai bên đi vào các thỏa thuận hợp tác cụ thể.

Mục tiêu đưa Việt Nam vươn mình, cất cánh trong kỷ nguyên mới được thôi thúc mạnh mẽ hơn bao giờ hết qua những định hướng, khẳng định, quyết tâm rất cao của Đảng, Chính phủ và cũng là khát vọng của cả dân tộc. Nhưng không chỉ dừng lại ở quyết tâm mà điều này phải được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể, những giải pháp đột phá để có thể chuyển mình mạnh mẽ, thể hiện rõ trong các chỉ đạo, hành động rất quyết liệt của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian gần đây.

Nhà máy Nhiệt điện sông Hậu 1
Ngành điện cần phát triển mạnh mẽ, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế của đất nước, đủ lực để vươn mình trong kỷ nguyên mới (Trong ảnh Nhà máy Nhiệt điện sông Hậu 1)

Để phát triển kinh tế – xã hội, có thể nói điện đóng vai trò hết sức quan trọng, nó được xem là mạch máu của nền kinh tế và phải phát triển “đi trước một bước”. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, để GDP Việt Nam tăng trưởng 1%, điện phải đi trước, tăng trưởng 1,8-2%.

Một chuyên gia trong lĩnh vực điện đưa ra phân tích, với mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển thì tăng GDP lúc đó phải gấp 3 – 4 lần hiện nay, tức là tốc độ phát triển phải từ 7 – 10%/năm trong vòng 20 năm tới. Nếu tốc độ tăng trưởng GDP là 10%/năm thì điện phải tăng cỡ 12 – 13%. Đòi hỏi cần có các cơ chế, chính sách cho ngành điện phát triển đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng của đất nước, còn nếu thiếu điện thì các mục tiêu, chiến lược cũng “đổ sông, đổ bể”.

Cùng với đó, thực hiện cam kết của Việt Nam về phát thải ròng CO2 đến năm 2050 bằng 0 thì rõ ràng giảm phát thải trong sản xuất điện là vấn đề rất lớn, bởi điện chiếm tỷ trọng lớn về phát thải CO2 trong nền kinh tế. Giảm phát thải cũng là vấn đề rất nhiều quốc gia trên thế giới theo đuổi, không chỉ ở các nước phát triển. Các quốc gia đã và sẽ đưa ra những quy định rất ngặt nghèo về mức độ phát thải CO2 trong hàng hóa nhập khẩu, áp thuế carbon,… Đó là áp lực không nhỏ đối với Việt Nam trong việc thay đổi nhanh chóng và căn bản cơ cấu sản xuất điện năng theo hướng giảm phát thải khí nhà kính để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành liên quan, xây dựng mục tiêu với ngành điện. Trong đó, với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 dự kiến là 7% và để bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân, tăng trưởng điện phải đạt từ 12-13%. Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty liên quan, trong giai đoạn 2026-2030, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng điện khoảng 12-15% mỗi năm xây dựng các kịch bản về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và giá điện phù hợp, với mục tiêu nhất định không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào cho cả giai đoạn từ nay đến 2030, vừa đảm bảo cho tăng trưởng, vừa thực hiện chuyển đổi xanh.

Không bổ sung chính sách, nguy cơ thiếu điện sẽ gay gắt

Bài học về việc thiếu điện cho sản xuất và đời sống năm 2023 xảy ra ở miền Bắc đã cho thấy những tác động, thiệt hại rất lớn. Worldbank ước tính, phí tổn kinh tế của các đợt mất điện miền Bắc vào tháng 5 và 6/2023, khiến sản xuất bị gián đoạn, ước tính khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP; không chỉ vậy việc này còn ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và môi trường đầu tư của Việt Nam.

Các chuyên gia phân tích, trước đó chúng ta đã “thoát” tình trạng thiếu điện, do nhiều giải pháp, nhưng cũng có một phần do điều kiện tự nhiên. Trong đó, vừa qua là do tình hình thời tiết mưa bão nhiều, đặc biệt là miền Bắc, thủy điện dồi dào, đóng góp cho cung ứng điện miền Bắc. Trước đó, năm 2022, do ảnh hưởng của Covid – 19 dẫn đến đình trệ sản xuất, suy giảm kinh tế nên nhu cầu sử dụng điện giảm, không xảy ra tình trạng thiếu điện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong điều kiện bình thường, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nếu không có giải pháp gì quyết liệt thì nguy cơ thiếu điện rất hiện hữu.

Để giải quyết tình trạng thiếu điện, có thể thấy giải pháp căn cơ nhất là phát triển nguồn để đáp ứng yêu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, việc này đang gặp phải những rào cản rất lớn, đặc biệt là về cơ chế, chính sách, Luật Điện lực hiện hành không đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành điện trong tình hình mới. Đó cũng là nguyên nhân, các dự án phát triển nguồn điện hầu hết bị chậm tiến độ, không thể chuyển động, không thu hút được đầu tư, đặc biệt là các dự án nguồn điện mới như điện khí/LNG, điện gió ngoài khơi, trong khi các nguồn điện giá rẻ như thủy điện, điện than đã không còn dư địa phát triển.

Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 là dự án điện khí LNG của Việt Nam hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn
Trong 13 dự án điên LNG chỉ có duy nhất Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 đang được triển khai

Một ví dụ cụ thể như, trong 13 dự án điện LNG theo quy hoạch điện VIII chỉ có Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4 đang triển khai, các dự án khác đều gặp khó khăn khi cơ chế chính sách chưa được hoàn thiện, vướng mắc kéo dài trong cam kết mua điện, chính sách chuyển ngang giá khí sang giá điện và các điều kiện đảm bảo đầu tư khác để nhà đầu tư có thể vay vốn, thu hồi chi phí đầu tư,… Bởi phải thừa nhận thực tế là trừ các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ, làm nhiệm vụ chính trị, còn với các nhà đầu tư tư nhân, nước ngoài sẽ không có chuyện bỏ tiền ra đầu tư nếu không thấy được “đường ra”.

Liên quan đến phát triển các nguồn điện mới, theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang), việc đảm bảo an ninh năng lượng đang rất cấp bách nhưng quy định về phát triển các dự án nguồn phát mới từ khâu quy hoạch, đầu tư, vận hành, hợp đồng mua bán; các chính sách cho phát triển các nguồn năng lượng mới như điện gió ngoài khơi, điện khí hoá lỏng (LNG) hoặc điện hạt nhân chưa được đề cập đầy đủ trong Luật hiện hành. “Không nhanh chóng sửa đổi, bổ sung chính sách, đất nước sẽ đối mặt với thực trạng thiếu điện gay gắt”, đại biểu Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh.

Cũng theo Đại biểu Phạm Văn Thịnh, hiện nay, Chính phủ đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và thu hút đầu tư vào các dự án phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, điện khí LNG là phù hợp với xu thế của thời đại. Tuy nhiên, hiện tại việc thực hiện đầu tư 2 loại dự án này còn nhiều vướng mắc ở tầm luật nên cần được tháo gỡ bằng việc đưa vào Luật Điện lực (sửa đổi).

Ví dụ như Luật Đầu tư chưa có quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án nằm trên biển mà thuộc 2 địa bàn cấp tỉnh. Luật Điện lực chưa quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện nói chung, trong đó có dự án điện gió ngoài khơi; chưa có các quy định về đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo trong phát triển dự án điện gió; các vấn đề về đàm phán giá mua của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cơ chế mua bán điện trực tiếp…

Về các vướng mắc đối với điện khí hoá lỏng (LNG), ông Phạm Văn Thịnh cũng nhấn mạnh điển hình nhất là vướng mắc về cam kết sản lượng điện mua hàng năm (Qc) – đây là điều kiện tiên quyết để khởi động việc tài trợ vốn cho dự án triển khai hoặc cơ chế chuyển ngang giá LNG sang giá điện, quy định về tính cước phí vận chuyển LNG. Trong bối cảnh nguồn phát đang khó khăn, các dự án đều chậm thì việc tháo gỡ kịp thời cho dự án phát triển 2 nguồn năng lượng này là rất cần thiết và cấp bách.

Sửa đổi để đủ sức vươn mình trong kỷ nguyên vươn mình

Nhằm tháo gỡ vướng mắc cho phát triển ngành điện, Chính phủ đã và đang thúc đẩy sửa đổi Luật Điện lực, với mục tiêu trình Quốc hội thông qua trong vòng 1 kỳ họp, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra hiện nay. Đối với Dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ cũng chỉ đạo rõ, việc sửa luật cần cập nhật đầy đủ các nội dung vướng mắc hiện nay như cam kết về sản lượng (Qc), chuyển ngang giá khí,… thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để, xóa cơ chế quan liêu, bao cấp, cơ chế “xin cho”, cắt giảm thủ tục hành chính, giấy phép “con” để giảm chi phí tuân thủ; bổ sung các nội hàm về phát triển điện gió, điện hạt nhân…

Vì tính cấp bách của việc phát triển các dự án nguồn điện, Chính phủ cũng chỉ đạo khẩn trương thúc đẩy triển khai các dự án điện, triển khai nhanh, hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện nền có quy mô công suất lớn, đặc biệt là ở miền Bắc như: triển khai sớm các dự án nhà máy LNG Nghi Sơn – Thanh Hóa (1.500 MW), LNG Quỳnh Lập – Nghệ An (1.500 MW); phấn đấu khởi công trong quý II/2025 và hoàn thành đóng điện trong năm 2027 các dự án đã có chủ đầu tư: LNG Quảng Ninh (1.500 MW), LNG Thái Bình (1.500 MW); khẩn trương hoàn thành dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng (480 MW), Quảng Trạch I (EVN – 1403MW), Na Dương II (TKV-110MW)…

Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1 và 2
Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1 và 2

Câu chuyện sửa đổi Luật Điện lực là vấn đề bức thiết và cấp bách. Đây được kỳ vọng là một bước đột phá về chính sách để ngành điện phát triển mạnh mẽ, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế của đất nước, đủ lực để vươn mình trong kỷ nguyên mới, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định việc “Tận dụng tối đa thời cơ và đẩy lùi những thách thức là chiến lược để đảm bảo sự bứt phá và cất cánh” của đất nước.