Thủy điện Hòa Bình đang tiến hành xả lũ để hạ mực nước hồ
Chiều ngày 9/9, Đoàn kiểm tra công tác vận hành xả lũ một số công trình thủy điện trong mùa mưa bão năm 2024 của Bộ Công Thương đã đến kiểm tra tại Hồ thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) theo Quyết định số 2401/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Tham gia Đoàn công tác có: Lãnh đạo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Trưởng đoàn); đại diện Văn phòng thường trực Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương; đại diện lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Điều tiết điện lực; các phòng chức năng thuộc Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Sở Công Thương Hoà Bình.
Chia sẻ với phóng viên về các biện pháp bảo vệ các hồ thủy điện tại thời điểm này, ông Phạm Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Việc bảo vệ an toàn đập, hồ chứa thủy điện được kết hợp nhiều công cụ, giải pháp, bao gồm: Công tác chỉ đạo điều hành; công tác tổ chức vận hành hồ chứa và công tác phối hợp các đơn vị, địa phương.
Trong đó, về công tác chỉ đạo, điều hành: Đối với hồ thủy điện Hòa Bình, trước mùa mưa lũ, Hội đồng đánh giá an toàn đập quốc gia (do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch) đã tiến hành kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa để đảm bảo đủ điều kiện tích nước, vận hành theo quy trình vận hành liên hồ và quy trình vận hành đơn hồ.
Theo đó, tùy thuộc vào tình hình thủy văn, thời tiết khí hậu, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn đập, hồ chứa nước sẽ có các chỉ đạo cụ thể trong quá trình vận hành. Tại thời điểm trước, trong và sau cơn bão số 3 vừa qua, Bộ Công Thương đã có 04 Công điện chỉ đạo các chủ đập công trình thủy điện, trong đó có thủy điện Hòa Bình thực hiện việc vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du đập như: Công điện số 6638/CĐ-PCTT ngày 02/9/2024 về việc chủ động ứng phó bão gần biển Đông; Công điện số 6650/CĐ-PCTT ngày 04/9/2024 về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3; Công điện số 6751/CĐ-PCTT ngày 06/9/2024 về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3; Công điện số 6814/CĐ-PCTT ngày 07/9/2024 về việc khắc phục hậu quả cơn bão.
Trong các công điện, Bộ Công Thương chỉ đạo các công trình thủy điện thuộc phạm vi quản lý theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và hoàn lưu bão; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão và hoàn lưu bão; nghiêm túc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
“Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp của hoàn lưu bão số 3, Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Công điện số 6844/CĐ-BCT ngày 09/9/2024 đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Sở Công Thương các tỉnh chỉ đạo các công trình thủy điện tăng cường ứng phó với bão số 3 và đảm bảo an toàn vận hành công trình thủy điện” – ông Phạm Nguyên Hùng cho biết thêm.
Về công tác vận hành, theo Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp: Đơn vị quản lý vận hành công trình tuân thủ quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy trình vận hành đơn hồ do Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt. Trong đó, quy định rõ từng thời điểm, từng mùa và từng tình huống thì mực nước hồ đến đâu, ai có thẩm quyền điều hành và trình tự vận hành thế nào?.
Ông Phạm Nguyên Hùng cho rằng: Hồ thủy điện Hòa Bình có mực nước dâng bình thường 117.0 m, mực nước chết là 80.0 m, mực nước trước lũ là 111.0 m. Theo quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 740/QĐ-TTg thì hồ Hòa Bình được tích dần lên mn 115.0 m từ ngày 22/8 trở đi. Tuy nhiên, khi thông báo có bão lũ từ Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia thì Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai sẽ quyết định việc hạ dần mực nước về mức 111.0 m. Hiện nay, mực nước hồ Hòa Bình đang ở mức 111.74 m và đang tiến hành xả lũ để hạ mực nước hồ.
“Các chủ đập phải thường xuyên theo dõi dự báo và diễn biến thời tiết; các thông số quan trắc của công trình” – lãnh đạo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp khuyến cáo.
Giải pháp an toàn hồ đập thời điểm hoàn lưu bão
Liên quan đến công tác phối hợp với các đơn vị, địa phương, theo ông Phạm Nguyên Hùng: Các đơn vị vận hành đập, hồ chứa thủy điện và các cơ quan, đơn vị liên quan hằng năm đều thực hiện việc diễn tập các phương án bảo vệ đập, phương án phòng chống thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp để khi có các tình huống xảy ra, việc phối hợp giữa các đơn vị, địa phương.
Ngoài ra, các đơn vị vận hành công trình thủy điện trên lưu vực sông có nhiều bậc thang cũng có quy chế để phối hợp, thông tin cho nhau để chủ động trong công tác vận hành một cách nhịp nhàng, tránh gây các biến động dòng chảy bất thường, những tình huống xấu để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du đập.
Các hồ chứa thủy điện khu vực chịu ảnh hưởng bão Yagi nói chung và hồ thủy điện Hòa Bình nói riêng, tại thời điểm sau bão này cần tập trung cao độ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ và đặc biệt là các chỉ đạo trực tiếp từ Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và Bộ Công Thương, lệnh vận hành của các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo vận hành an toàn trong thời điểm hoàn lưu bão, mưa lũ có thể quay trở lại.
Khi xảy ra các tình huống bất thường phải có biện pháp xử lý hoặc báo cáo ngay cấp có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn, xử lý, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và hạ du đập.
Để đảm bảo an toàn hồ đập, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp khuyến cáo, các địa phương có hồ, đập thủy điện trong vùng ảnh hưởng bão và hoàn lưu bão cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành các đơn vị quản lý, vận hành chấp hành các quy định về an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
Cùng với đó, chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý vận hành công trình để chủ động tham mưu cho Lãnh đạo tỉnh kịp thời có chỉ đạo, chỉ huy vận hành công trình theo thẩm quyền đã được quy định trong quy trình vận hành. Chỉ đạo các cơ quan thông tin, tuyên truyền địa phương đảm bảo thông tin thông suốt để công tác chỉ đạo điều hành.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý vận hành tiếp nhận các thông tin xả lũ để kịp thời cung cấp đến người dân, tuyên truyền, vận động người dân hiểu và chấp hành nghiêm các quy định về an toàn hành lang thoát lũ công trình thủy điện. Thông báo đến người dân, hoa màu, lồng bè nuôi thủy sản… trên các sông trước thời điểm mưa bão và xả lũ để không ảnh hưởng dòng chảy dưới hạ du các công trình và thiệt hại kinh tế của người dân.
Đặc biệt, cần tuyên truyền người dân theo dõi các bản tin dự báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và của chính quyền địa phương. Không nghe, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng… gây hoang mang dự luận. Sẵn sàng nhân lực, vật lực để khi có tình huống xảy ra, chỉ đạo các đơn vị triển khai ngay các biện pháp theo phương án đã được duyệt để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du đập. Thực hiện di dời người dân đến những nới trú tránh an toàn khi có yêu cầu của cơ quan cấp trên hoặc trong các tình huống xả lũ khẩn cấp, vỡ đập.