Địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố hoá chất trong mọi tình huống

Ứng phó sự cố hoá chất tại Công ty Hóa chất mỏ Thái Bình (huyện Thái Thụy, Thái Bình)
Với nguy cơ xảy ra sự cố lớn, có tác động trên phạm vi rộng Cục Hoá chất đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa năng lực quốc gia ứng phó sự cố hoá chất.

Ứng phó sự cố hóa chất – nhiệm vụ cấp thiết

Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất là hoạt động mô phỏng sự cố hóa chất có thể xảy ra tại các doanh nghiệp như: Sự cố rò rỉ, tràn đổ hóa chất, cháy nổ do hóa chất, phát tán hóa chất gây hại hoặc có nguy cơ gây hại cho con người, tài sản và môi trường…

Thống kê cho thấy, lượng hóa chất sử dụng của Việt Nam đang tập trung tại các nhà máy của các thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp. Bên cạnh các sản phẩm có thể dễ nhận thấy trong một số lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, bảo vệ thực vật, hóa chất, tiêu dùng, hóa chất còn tham gia nhiều vào quá trình sản xuất, chế tạo của nhiều ngành kinh tế.

Với đặc tính của nhiều loại hóa chất độc, nguy hiểm là tính oxy hóa mạnh, ăn mòn mạnh, dễ cháy, độc cấp, tính độc hại đến môi trường nên khi xảy ra các sự cố rò rỉ, cháy, nổ rất nguy hiểm.

Ứng phó sự cố hoá chất tại Công ty Hóa chất mỏ Thái Bình (huyện Thái Thụy, Thái Bình)
Ứng phó sự cố hoá chất tại Công ty Hóa chất mỏ Thái Bình (huyện Thái Thụy, Thái Bình). Ảnh: LA

Theo quy định của Luật Hóa chất, chủ thể lưu trữ, sử dụng hóa chất phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa cụ thể cho doanh nghiệp. Theo đó hàng năm doanh nghiệp căn cứ vào kế hoạch đó để tổ chức diễn tập, xây dựng tình huống giả định theo kế hoạch, thực hiện diễn tập để người lao động thực hành những diễn biến có thể xảy ra trong quá trình sản xuất.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Vương Thành Chung – Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố và An toàn hóa chất, Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) cho biết, theo điều 37, Luật Hóa chất quy định: Hàng năm các cơ sở hóa chất phải xây dựng lực lượng ứng phó tại chỗ và phải thường xuyên huấn luyện và thực hành diễn tập các phương án ứng phó sự cố hóa chất. Việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm đồng thời kiểm tra năng lực phối hợp hành động giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng với các công ty, nhà máy, doanh nghiệp trong công tác ứng phó với sự cố hóa chất diễn ra trên địa phương nơi mình sinh sống.

Bên cạnh đó, chủ thể lưu trữ, sử dụng hóa chất phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa cụ thể cho doanh nghiệp. Theo đó hàng năm doanh nghiệp căn cứ vào kế hoạch đó để tổ chức diễn tập, xây dựng tình huống giả định theo kế hoạch, thực hiện diễn tập để người lao động thực hành những diễn biến có thể xảy ra trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chủ quan, lơ là, thụ động chỉ chú trọng quan tâm thật sự sau khi sự cố xảy ra. Một số cơ sở dù có quan tâm nhưng thực hiện mang tính đối phó chưa đầy đủ. Vi phạm phổ biến là chưa thực hiện việc xây dựng biện pháp, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố; chưa tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất; chưa xây dựng được nội quy an toàn hóa chất cho cơ sở sản xuất, sắp xếp hóa chất trong kho chưa đảm bảo an toàn theo đúng các quy định hiện hành” – ông Vương Thành Chung chỉ ra.

Tăng giải pháp, xây dựng các kịch bản ứng phó tốt

Thời gian qua các địa phương đã có một số hoạt động tích cực trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, hầu hết các tỉnh đã triển khai xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thẩm định và phê duyệt.

Nhiều địa phương trên cả nước đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với doanh nghiệp tổ chức diễn tập Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh, hoặc tổ chức diễn tập kết hợp với ứng phó sự cố tràn dầu, một số tỉnh đã triển khai diễn tập như: Hà Nội, Phú Thọ, Lào Cai, Đà Nẵng, Trà Vinh, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Bình Định, Phú Yên, Bắc Giang, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, Thái Bình…

Ông Vương Thành Chung thông tin thêm, đối với các cơ sở hóa chất lớn đóng tại các địa phương, nếu xảy ra sự cố hóa chất là rất nguy hiểm. Theo đó, các địa phương cần thường xuyên diễn tập. Về vấn đề này, Cục Hóa chất khuyến khích các các địa phương cùng phối hợp triển khai diễn tập ứng phó với sự cố hóa chất. Đặc biệt đối với các tỉnh công nghiệp lớn và trong đó có ngành công nghiệp hóa chất.

Đối với tỉnh Bắc Ninh, phải nó rằng đây là địa phương có ý thức cao về ứng phó hóa chất. Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh, Sở Công Thương mới đây đã chủ động phối hợp với Cục Hóa chất làm tốt công tác diễn tập ứng phó sự cố hóa hướng tới an toàn môi trường” – ông Vương Thành Chung nhấn mạnh.

Cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác diễn tập ứng phó sự cố hóa chất đối với doanh nghiệp hoá chất tại các địa phương, ông Phùng Mạnh Ngọc – Cục trưởng Cục Hoá chất – cho hay: Thứ nhất, việc tổ chức diễn tập sẽ giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ càng, sự tập luyện thành thục trong công tác ứng phó sự cố, có sự nhanh nhạy và linh hoạt để ứng phó khi sự cố hóa chất xảy ra.

Thứ hai, thông qua diễn tập giúp doanh nghiệp nhìn nhận ra những thiếu sót để kịp thời bổ sung, rút kinh nghiệm trong việc ứng phó sự cố, sự phối hợp giữa các lực lượng tham gia ứng phó.

Thứ ba, việc tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp để có ý thức hơn trong việc tăng cường công tác phòng ngừa sự cố hóa chất.

Lãnh đạo Cục Hóa chất cũng lưu ý, doanh nghiệp cần có ý thức chủ động phòng ngừa thay vì để xảy ra sự cố rồi mới ứng phó thì quá muộn. Doanh nghiệp cần bám sát đánh giá rủi ro mới nhất, chú ý các sự cố đã từng xảy ra, chủ động lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó nhanh chóng, sát với tình hình thực tiễn…

Doanh nghiệp cũng cần xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó khẩn cấp trong trường hợp xảy ra sự cố hoá chất. Điều này bao gồm việc kiểm tra định kỳ, xác định các điểm yếu tiềm ẩn và đảm bảo sẵn sàng cho các biện pháp khắc phục.

Bên cạnh đó triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ theo các văn bản quy phạm quản lý hóa chất hiện hành; kiểm tra, thanh tra tuân thủ quy định về an toàn hóa chất; kiểm tra tính sẵn sàng lực lượng để ứng phó sự cố hóa chất.

Về phía các địa phương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cũng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát tổng thể các nội dung thực hiện; nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đối với các doanh nghiệp hoạt động hóa chất trên địa bàn.

Để nâng cao công tác ứng phó, xử lý, hiện Bộ Công Thương xây dựng Luật Hóa chất mới, trong đó thay thế, hoặc sửa đổi một số điều căn cứ trên các nghiên cứu và thực tiễn quản lý thời gian qua. Theo đó, luật mới sẽ bổ sung những quy định cấp thiết để kịp thời hoàn thiện khung khổ pháp lý.