Dấu ấn về chất lượng khảo thí tại Việt Nam
Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN là đơn vị đầu mối triển khai các kỳ thi ĐGNL cho ĐHGQHN. Từ năm 2021, Trung tâm đã tổ chức thi 150.840 lượt thi. Bên cạnh các trường/khoa của ĐHQGHN, số trường đại học, ngành đào tạo dành chỉ tiêu xét tuyển thí sinh bằng kết quả bài thi ĐGNL của ĐHQGHN ngày càng tăng, trong đó phải kể đến các trường khối quân đội. Tính đến thời điểm này, trong cả nước đã có gần 80 cơ sở giáo dục đại học, học viện sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN làm phương án xét tuyển.
Ngoài ra, hằng năm, Trung tâm Khảo thí tổ chức thi kết thúc học phần trên máy tính cho gần 30.000 lượt sinh viên ĐHQGHN thi học phần Kinh tế Chính trị, Triết học Mác – Lênin, Nhà nước và pháp luật đại cương, các học phần của các khoa, trường đại học thuộc ĐHQGHN. Năm 2023, Trung tâm Khảo thí chuẩn hóa các tài liệu ấn phẩm liên quan đến kỳ thi chuẩn hóa ĐGNL như đăng ký quyền tác giả quy trình tổ chức thi ĐGNL, đăng ký sáng chế quy trình tổ chức kỳ thi chuẩn hóa trên máy tính; công bố kết quả nghiên cứu ứng dụng bài thi ĐGNL trên 03 tạp chí khoa học quốc gia.
Từ năm 2021 trở lại đây, Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN tổ chức kỳ thi ĐGNL đa mục đích, trong đó có tuyển sinh đại học. Do đó, bài thi được thiết kế đánh giá năng lực người học theo thông lệ quốc tế. Bài thi đánh giá 3 nhóm năng lực theo chính: (i) Sáng tạo và giải quyết vấn đề; (ii) Năng lực Toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; (iii) Tự học, khám phá và ứng dụng công nghệ/khoa học (tự nhiên – xã hội). Dạng thức chung của bài thi ĐGNL (HSA) gồm 3 phần, 150 câu hỏi thi: Tư duy định lượng, Tư duy định tính và Khoa học.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh về trách nhiệm của Trung tâm Khảo thí là cần tiên phong, đi đầu trong cả nước về công tác khảo thí. Năm 2024, Trung tâm Khảo thí cần giữ ổn định kỳ thi ĐGNL như năm 2023, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công nghệ thông tin cho kỳ thi ĐGNL, đảm bảo an toàn, đồng bộ về dữ liệu và tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh khi đăng ký và tham dự kỳ thi. Thời gian tới, Trung tâm cần có giải pháp phân luồng khu vực hoặc kéo dài thời gian đăng ký ca thi để đảm bảo không có thí sinh không đăng ký được hoặc mất quá nhiều thời gian để đăng ký.
Về kế hoạch kỳ thi ĐGNL năm 2025, Giám đốc Lê Quân yêu cầu Trung tâm Khảo thí cần tiên phong trong công tác khảo thí của cả nước về cấu trúc bài thi, cách thức thực hiện, tổ hợp bài thi… Bài thi phục vụ xét tuyển đầu vào cho các trường trong và ngoài ĐHQGHN. Ngoài ra, Trung tâm cần căn cứ vào thực trạng xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học, học viện khi có ký kết sử dụng kết quả thi của ĐHQGHN nhằm hỗ trợ thí sinh trúng tuyển bằng kết quả thi ĐGNL có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn học bổng khác nhau. Năm 2025, Trung tâm cần tăng quy mô số lượng đợt thi và thời gian mở cổng đăng ký thi cho thí sinh, đặc biệt thí sinh có thể tham gia thi nhiều lần với nhiều lựa chọn khác nhau theo khả năng của bản thân.
Về hoạt động tư vấn hỗ trợ và khoa học công nghệ, gắn hoạt động thi, kết quả và dữ liệu kỳ thi với địa phương, doanh nghiệp phục vụ hoạt động tư vấn giáo dục, đào tạo, đào tạo nghề; tiếp nhận, làm chủ và chuyển giao công nghệ khảo thí, đo lường tiên tiến trên thế giới; xây dựng bộ công cụ kiểm tra đánh giá trên không gian đổi mới sáng tạo và phát triển các loại hình dịch vụ khảo thí đo lường. Ngoài ra, Trung tâm sẽ tăng cường tổ chức liên kết đào tạo với các tổ chức khảo thí thế giới SAT, ACT, IELTS, TOEFT, TOEIC… Giám đốc ĐHQGHN đề nghị, trong năm 2025, sẽ áp dụng thêm môn ngoại ngữ vào tổ hơp thi ĐGNL để phục vụ kỳ thi chung và đảm bảo cho các trường xét tuyển. Trung tâm phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN để xây dựng phương án tổ chức tốt nhất cho thí sinh.
Thùy Dương