Đá quý độc nhất vô nhị từ “thế giới tương phản” lộ ra ở Nam Cực

Đá quý độc nhất vô nhị từ "thế giới tương phản" lộ ra ở Nam Cực- Ảnh 1.
TIN MỚI

Theo Sci-News, bên trong lõi trầm tích được giàn khoan đáy biển MARUM-MeBo70 thu thập từ phần thềm giữa của sông băng Pine Island ở vịnh Amundsen, các nhà khoa học đã tìm thấy viên hổ phách Nam Cực đầu tiên.

Hổ phách từng được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới nhưng ở Nam Cực thì chưa từng, bởi một lý do đơn giản: Loại đá quý này là nhựa cây hóa thạch, mà Nam Cực thì không có cây.

Nhưng phát hiện mới đã chứng minh một “thế giới tương phản” từng hiện diện ở lục địa băng hà này.

Đá quý độc nhất vô nhị từ "thế giới tương phản" lộ ra ở Nam Cực- Ảnh 1.

Viên hổ phách quý giá từ Nam Cực – Ảnh: Alfred-Wegener-Institut/V. Schumacher

Nhóm nghiên cứu Anh – Đức dẫn đầu bởi TS Johann Klages từ Đại học Bremen (Đức) cho biết viên hổ phách độc nhất vô nhị này có niên đại khoảng 92 đến 83 triệu năm tuổi, tức nhựa cây tạo nên nó đã chảy ra vào kỷ Phấn Trắng.

Viên hổ phách này cho thấy Nam Cực vào thời kỳ đó phải là một khu rừng, hoặc ít ra là phần Tây Nam Cực.

Các bằng chứng khác từ lõi trầm tích giúp các nhà khoa học suy đoán rằng đó là một môi trường rừng mưa ôn đới đầm lầy với các loài cây lá kim thống trị.

Môi trường đó cũng cho phép vô số động vật sinh sống nơi đây, có thể là cả khủng long, một thế giới sống động và hoàn toàn tương phản với Nam Cực lạnh lẽo, hoang vu ngày nay.

Theo Science Alert, các nhà khoa học đã khai quật được gỗ và lá hóa thạch ở Nam Cực từ đầu thế kỷ 19, nhưng đa số có niên đại hàng trăm triệu năm trước khi siêu lục địa phía Nam Gondwana tồn tại.

Khi siêu lục địa này tan rã vào cuối kỷ Jura, Nam Cực trôi dạt khỏi châu Đại Dương và Nam Mỹ về phía cực Nam. Người ta không hoàn toàn rõ điều gì đã xảy ra với hệ sinh thái tồn tại trên mảnh đất này sau đó.

“Thật thú vị khi nhận ra rằng, tại một thời điểm nào đó trong lịch sử, tất cả các lục địa đều có điều kiện khí hậu cho phép các loại cây sản xuất nhựa có thể tồn tại” – TS Klage cho biết.

Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Antarctic Science, mục tiêu tiếp theo của nhóm nghiên cứu là cố tìm kiếm các bằng chứng phản ánh đầy đủ hơn hệ sinh thái khu rừng cổ đại này.

Họ cũng hy vọng tìm thấy các viên hổ phách Nam Cực khác, và nếu may mắn có thể là hổ phách chứa sinh vật sống, giống như những viên hổ phách Miến Điện nổi tiếng ở Myanmar.