20 năm lớn mạnh cùng ngành Công Thương
Cục Công Thương địa phương (tiền thân là Cục Công nghiệp địa phương) thành lập ngày 4/7/2003. Đến nay, trải qua 3 giai đoạn phát triển, từ một đơn vị non trẻ, Cục Công Thương địa phương trở thành cánh tay đắc lực giúp lãnh đạo Bộ nắm sâu sát tình hình phát triển của ngành Công Thương khối địa phương, từ đó hoạch định chính sách phát triển phù hợp. Đồng thời triển khai tốt các nhiệm vụ được giao, góp sức thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Nhìn lại lịch sử phát triển của Cục Công Thương địa phương có thể thấy, giai đoạn 2003 – 2007 được xác định giai đoạn “bắc cầu”.
Tại Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp, lần đầu tiên Cục Công nghiệp địa phương xuất hiện trong cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp. Trên cơ sở đó, ngày 4/7/2003, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 115/2003/QĐ-BCN quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục. Cục Công nghiệp địa phương giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp ở các địa phương trong phạm vi cả nước.
Với vai trò là cơ quan chuyên trách, làm đầu mối thực hiện công tác quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp địa phương…, Cục Công nghiệp địa phương khi đó gánh trên vai nhiệm vụ làm “cầu nối” giữa Bộ Công nghiệp và các địa phương trên cả nước trong hành trình vì sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.
Giai đoạn 2007 – 2017 là giai đoạn có nhiều thay đổi lớn về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Cục.
Ngày 30/01/2008, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 0799/QĐ-BCT quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Cục Công nghiệp địa phương. Theo đó Cục thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về: Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, hoạt động khuyến công, khu – cụm – điểm công nghiệp; doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương trong cả nước; cùng với 21 nhiệm vụ, quyền hạn và 07 đơn vị trực thuộc.
Giai đoạn này, lãnh đạo Bộ đồng ý cho Cục Công nghiệp địa phương thành lập Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1; Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh – nay là Tổ công tác phía Nam, trực thuộc phòng Kế hoạch – Tổng hợp.
Ngày 19/02/2013, Bộ Công Thương có Quyết định số 999/QĐ-BCT về việc điều chỉnh, bổ sung và quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Công nghiêph địa phương. Theo đó, Cục Công nghiệp địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về: Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, khuyến công, cụm công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương trong cả nước; thực hiện hoạt động dịch vụ công thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý của mình.
Trong 21 nhiệm vụ cụ thể, Cục Công nghiệp địa phương được giao bổ sung một số nhiệm vụ như: Xây dựng, tổ chức triển khai đề án, dự án cho các cơ sở công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; giúp Bộ thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; làm đầu mối giúp Bộ quản lý hoạt động của Bộ với các địa phương, đặc biệt là theo dõi, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ của lãnh đạo Bộ giao cho các địa phương…
Từ năm 2018 đến nay, Cục đổi tên và có thêm nhiều nhiệm vụ mới.
Tại Nghị định số 98/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp địa phương chính thức được đổi tên thành Cục Công Thương địa phương. Cùng với việc đổi tên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Công nghiệp địa phương được bổ sung thêm, bao gồm: Quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện pháp luật đối với lĩnh vực: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (làng nghề tiểu thủ công nghiệp); khuyến công; cụm công nghiệp; doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa; tổng hợp chung tình hình phát triển công nghiệp và thương mại tại các địa phương trong cả nước.
Ngày 29/11/2022, Nghị định số 96/2022/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương có Quyết định số 2638/QĐ-BCT ngày 02/12/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Công Thương địa phương. Về cơ bản, nhiệm vụ của Cục vẫn giữ nguyên.
Hơn 20 năm hình thành và phát triển, Cục Công Thương địa phương đã ghi dấu ấn đậm nét trong sức tăng trưởng mạnh mẽ của ngành Công Thương trong mỗi thời kỳ.
Trong đó, xây dựng khung pháp lý được Cục Công Thương địa phương coi là nhiệm vụ cơ bản, hàng đầu. Những văn bản nền tảng như Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 9/6/2004 về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn (nay là Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công; Nghị định số 68/2017/ NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý phát triển cụm công nghiệp (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 66/2020/ NĐ-CP ngày 11/6/2020) được xem là khung pháp lý cao nhất do Cục chủ trì xây dựng để triển khai việc hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các địa phương.
Với hệ thống văn bản pháp quy được Cục Công Thương địa phương đề xuất, việc hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương từng bước đảm bảo tính hợp hiến, tính khả thi trong quá trình thực hiện; đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác quản lý nhà nước về phát triển công thương địa phương.
Một nhiệm vụ then chốt nữa là theo dõi hoạt động quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại của các địa phương. Hoạt động này giúp đơn vị kịp thời đề xuất, tham mưu, kiến nghị để Lãnh đạo Bộ có giải pháp chỉ đạo thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại đối với các địa phương.
Ngoài ra, thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, Cục Công Thương địa phương đã gặt hái được những “trái ngọt” từ chương trình khuyến công khi 20 năm qua, công tác này đã xác lập những bước đi quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là tại khu vực nông thôn.
Cục đã đưa công tác quản lý cụm công nghiệp đi vào nền nếp, hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp và doanh nghiệp; phát hiện và tôn vinh những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; chung tay tạo “diện mạo mới, sức sống mới” cho nông thôn Việt Nam.
Tiếp nối truyền thống, xây dựng tương lai
Tiếp nối truyền thống 20 năm nỗ lực phấn đấu đó, sang năm 2024, trong bối cảnh ngành Công Thương gặp nhiều thách thức, Cục Công Thương địa phương đã linh hoạt triển khai các hoạt động nhằm hoàn thành nhiệm vụ của Cục, thực hiện tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo Bộ về các định hướng phát triển khối Công Thương địa phương.
Với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Cục hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ ký ban hành 02 Nghị định: Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 43/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ. Xây dựng, trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định chế độ báo cáo định kỳ về cụm công nghiệp, cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp cả nước và một số mẫu văn bản về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Nhiệm vụ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công: Ngày 28/8/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định, hiện tại Cục Công Thương địa phương đang triển khai xây dựng dự thảo 1 Nghị định.
Công tác tổ chức chuỗi sự kiện ngành Công Thương 03 khu vực (Bắc, Trung, Nam) và các hội nghị chuyên môn. Cục đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện ngành Công Thương khu vực phía Bắc tại Hà Nội bao gồm các hoạt động: Hội nghị ngành Công Thương, Hội nghị khuyến công, Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu phía Bắc. Tại Lễ khai mạc Hội chợ, Bộ Công Thương đã tổ chức bình chọn và tôn vinh, trao Giấy chứng nhận cho 126/218 sản phẩm, bộ sản phẩm của các cơ sở công nghiệp nông thôn trong khu vực phía Bắc gửi đăng ký tham gia bình chọn. Hiện đang tổ chức triển khai các công việc liên quan đến công tác tổ chức chuỗi sự kiện khu vực miền Trung Tây Nguyên (tại Quảng Trị) và khu vực phía Nam (tại Kiên Giang).
Tổ chức thành công các hội nghị trực tuyến: Đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên Đán năm 2024; phổ biến Nghị định số 32/2024/NĐ-CP, Thông tư số 14/2024/TT-BCT về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 43/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.
Công tác theo dõi Công Thương địa phương. Cục đã hoàn thành Kế hoạch của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Đầu mối của Bộ Công Thương phối hợp xây dựng Nghị định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp với Bộ, ngành Trung ương triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, Cục làm đầu mối chuẩn bị tài liệu và tháp tùng Lãnh đạo Bộ làm việc với 17 địa phương; nghiên cứu có ý kiến đối với quy hoạch ngành, vùng, tỉnh; tham gia theo dõi tình hình thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại các kết luận, chỉ đạo đối với Bộ Công Thương của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các kết luận của Lãnh đạo Bộ tại các buổi làm việc với các địa phương.
Về các nhiệm vụ lớn khác, Cục tiếp tục triển khai theo chức năng nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2024, như: Công tác khuyến công; quản lý cụm công nghiệp; phát triển tiểu thủ công nghiệp và doanh nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hơn 20 năm góp sức cùng ngành Công Thương phát triển, Cục Công Thương địa phương đã ghi dấu đậm nét trong mỗi giai đoạn phát triển đã qua và tiếp tục góp sức cho tương lai phát triển của ngành kinh tế trọng điểm.