Trong những bức ảnh chụp lại loạt cây xanh ở Hà Nội bị bão Yagi quật đổ tôi tiếp nhận chiều qua 8/9, có 3 – 5 bức ảnh được chụp trên phố Đoàn Khuê (quận Long Biên, TP. Hà Nội) khiến tôi và nhiều đồng nghiệp chú ý.
Đó là hình ảnh những cây bằng lăng có đường kính gốc khoảng 40cm, thân cao chừng 3m, tán cây xanh tốt, um tùm, nhưng rất lạ là gốc cây không có bầu đất, chỉ trơ vài cọng rễ.
Ngoài ra, còn hình ảnh những cây lớn bị bật gốc, lộ bầu đất vẫn quấn bao tải dứa, lưới đen mà như cách nói vui của nhiều người là cây “quấn tã”, với rễ chùm lưa thưa, ăn trên bề mặt.
Sự việc này đang có 2 luồng ý kiến, phần lớn cho rằng đó là sự cẩu thả, tắc trách, thậm chí là còn có chuyện “chấm mút”; ý kiến còn lại cho rằng đúng kỹ thuật, đúng quy trình.
Có người nổi tiếng trên mạng xã hội thì dành thời gian ngồi viết bài rất dài, chia sẻ lên Facebook cá nhân tỏ ra mình là người có kinh nghiệm, có thực tế trồng cây và phê phán những Facebooker khác không có kiến thức về nông nghiệp, lại phán bừa về việc trồng cây của Hà Nội.
Thậm chí, có người không được đào tạo về nông nghiệp, còn lên mạng chê bai những chuyên gia về nông nghiệp là “tiến sĩ bàn giấy”, “chuyên gia bàn giấy”, không có thực tiễn khi họ lên tiếng cho rằng việc trồng cây của Hà Nội không bảo đảm kỹ thuật.
Trước khi đi vào chi tiết vấn đề này, hãy nhìn số liệu cây xanh tại Hà Nội bị gãy, đổ do bão Yagi: Tổng số cây đổ và gãy cành là 25.156 cây, trong đó có 24.807 cây đổ và 349 cây gãy cành.
Số liệu này nói lên điều gì?
Là tỷ lệ cây gãy cành rất thấp, chỉ chiếm 1,3%, còn lại gần 98,7% là cây bị bật gốc. Tức khi làm tròn, cứ 1.000 cây gãy đổ do bão số 3 gây ra, chỉ có 13 cây gãy cành, còn 987 cây bị bật gốc.
Điều này cho thấy sức gió bão số 3 khi đổ bộ vào Hà Nội tuy rất mạnh, nhưng không mạnh tới mức có thể quật gãy được cành cây xanh đô thị ở Hà Nội. Vấn đề còn lại là ở phần gốc, là ở kỹ thuật và phương pháp trồng cây, là làm sao để cây không đổ?
Thực ra câu chuyện cây xanh trồng không bảo đảm kỹ thuật ở Hà Nội, sau mỗi trận mưa, bão lại bị đổ đã được mổ sẻ rất nhiều, từ những năm 2015, 2016.
Thời điểm đó, Sở Xây dựng TP. Hà Nội từng kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm một số đơn vị do trồng cây xanh không bảo đảm, để cây bị đổ, lộ nguyên vỏ bọc ni lông…
Trả lời Báo Công Thương chiều nay 9/9, ông Đặng Tiến Dũng – Tiến sĩ Khoa học cây trồng, Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có những phân tích rất kỹ về việc này, đồng thời tái khẳng định việc trồng cây để nguyên bọc ni lông, hay chỉ trơ vài cọng rễ là không đúng kỹ thuật.
Nguyên nhân dẫn tới rất nhiều cây bị đổ sau bão số 3 cũng được ông Đặng Tiến Dũng chỉ ra, đó là các loại cây bị bật gốc không phải là cây trồng từ hạt nguyên thủy, mà chủ yếu là cây trồng đôn đảo. Do đó, cây có bộ rễ ăn trên bề mặt không có rễ cái, rễ cọc bám sâu và cành lá nhiều và vị trí trồng cây, đất trồng cây chủ yếu là kê lấp. Khi gặp gió giật mạnh đương nhiên cây sẽ bị bật gốc và đổ.
Ông Nguyễn Duy Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Toàn Phát – người có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng cây xanh, cũng cho rằng những cây trồng mới bắt buộc phải tháo và gỡ lưới ra mới được trồng và chống lại cho cây yên vị để phát triển rễ mới. Vì nếu không cắt bỏ lưới, rất có khả năng rễ non khi mọc ra chui qua lỗ của lưới dần to lên và sẽ bị thắt ngang không phát triển được.
Với ý kiến còn lại cho rằng việc trồng cây xanh để nguyên lưới là đúng kỹ thuật, thuận tiện khi cẩu, dịch chuyển bầu không vỡ, giữ rễ tơ, rễ mới nguyên vẹn. Ý kiến này là đúng, không sai, nhưng chỉ đúng trong việc thuận tiện khi đôn đảo, vận chuyển cây.
Còn với cây xanh đô thị, với người dân: Cây đổ là đổ.
Vấn đề cốt lõi là làm sao chúng ta phải giải quyết được bài toán cây xanh đô thị, giải quyết được bài toán bảo đảm an toàn, không để cây gãy đổ, gây mất an toàn cho người dân mỗi khi mưa bão.
Nếu không, chúng ta sẽ mãi cứ quanh quẩn ở câu chuyện cây được trồng đúng quy trình, cây đổ cũng đúng quy trình. Chỉ có ngân sách là thiệt hại và tính mạng của người dân là không bảo đảm.
Điều này, thực tế đã chứng minh rồi!