Những biện pháp mà Vienne tiến hành để chuẩn bị cho mưa lớn cực hạn có thể trở thành bài học để các thành phố khác ứng phó với ngập lụt.
Bão Boris là trận lụt mới nhất ở một trong những thời kỳ mưa lũ hoành hành nhiều nhất ở châu Âu trong 500 năm qua, nhưng một thành phố gần như không bị ảnh hưởng, theo BBC. Khi lượng mưa kỷ lục do bão Boris đem tới trút xuống Vienne vào ngày 15/9, tác động có vẻ nghiêm trọng với đường phố bị ngập, nhà cửa phải sơ tán, một con suối biến thành dòng nước xiết. Chỉ trong 5 ngày, lượng mưa rơi xuống Vienne và nhiều nơi khác ở Áo nhiều gấp 2 – 5 lần trung bình tháng 9. Tuy nhiên, trước mưa lũ dồn dập, người dân thành phố bị thiệt hại khá ít với ước tính 10 người bị thương nhẹ và 15 ngôi nhà phải sơ tán. Nhìn chung, hệ thống quản lý lũ lụt tiên tiến của thành phố vẫn cản được lượng lớn nước.
Vienne xây kênh kiểm soát lũ lụt New Danube vào năm 1970. (Ảnh: BBC).
Trên thực tế, bằng chứng từ các đợt lũ lụt lớn trước đó cho thấy một số chiến lược bảo vệ mà Vienne nói riêng và nước Áo nói chung sử dụng đang chứng minh hiệu quả, cung cấp bài học quan trọng cho các thành phố khác đối phó với thời tiết ngày càng cực đoan. “Áo thực sự đầu tư vào quản lý lũ lụt trong nhiều thập kỷ qua, ít nhất do chúng tôi từng trải qua hai đợt lũ lụt lớn trong năm 2002 và 2013”, Günter Blöschl, nhà thủy văn kiêm giám đốc Trung tâm hệ thống tài nguyên nước của Đại học Công nghệ Vienne, người giúp định hướng chiến thuật quản lý nguy cơ lũ lụt của Áo, cho hay.
Theo Blöschl giải thích, tại Vienne, một hệ thống phòng chống lũ lụt phát triển cách đây vài thập kỷ đóng vai trò chủ chốt giúp bảo vệ thành phố. Hệ thống phòng chống lũ lụt của Vienne được thiết kế để xử lý lưu lượng nước lũ 14.000m3/giây, tương đương lũ lụt 5.000 năm có một. Một trận lũ lụt lớn cỡ đó từng xảy ra vào năm 1501. Trong trận lũ lụt gần đây nhất, khoảng 10.000m3/giây nước chảy qua những tuyến đường thủy của Vienne, thấp hơn đáng kể so với công suất của hệ thống. Nếu không có hệ thống này, lũ lụt trên diện rộng sẽ xảy ra.
Trụ cột của hệ thống phòng chống ngập lụt này là hòn đảo nhân tạo mang tên đảo Danube Island và kênh kiểm soát lũ lụt New Danube. Cả hai đều được xây dựng vào thập niên 1970, sau khi trận lũ lụt mạnh năm 1954 làm ngập các hệ thống bảo vệ sẵn có. New Danube thường bị ngăn lại bởi đập nước, tạo ra một vùng hồ. Đập nước được mở trước khi lũ tới và dòng kênh dẫn nước chảy qua trong 3 – 4 ngày, giúp giảm tải cho sông Danube chảy qua Vienne, theo Blöschl.
Hệ thống trải qua thử thách lớn vào năm 2013 khi lưu vực ở thượng nguồn sông Danube hứng chịu một trong những trận lũ lụt lớn nhất trong hai thế kỷ qua. Lưu lượng lũ của sông Danube ở Vienne đạt mức khoảng 11.000m3/giây, nhưng Vienne tránh được thiệt hại nghiêm trọng nhờ hệ thống phòng chống lũ lụt của thành phố. Không có ngôi nhà nào ở Vienne bị đe dọa so với 400.000 hộ dân trên khắp nước Áo.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa hệ thống có thể kiểm soát hoàn toàn lũ lụt lớn. Trong trận lũ lụt gần nhất, Wienfluss, một dòng sông nhỏ hơn ở Vienna, bị tràn bờ làm ngập đường ray tàu điện ngầm khiến giao thông công cộng bị gián đoạn.
Cả nước Áo cũng tăng cường phòng chống lũ. Quốc gia này đầu tư khoảng 67 triệu USD/năm vào các biện pháp bảo vệ trước lũ lụt và ghi nhận thiệt hại giảm đi. Những biện pháp bảo vệ bao gồm thường xuyên diễn tập biện pháp khẩn cấp như tường di động để ngăn lượng nước lớn cũng như ứng dụng hệ thống dự báo tinh vi và chính xác hơn.
Theo đánh giá của nhà chức trách, trận lũ lụt năm 2002 gây thiệt hại 3,6 tỷ USD trên toàn nước Áo. Dù trận lũ lụt năm 2013 cũng lớn, thiệt hại mà nó gây ra ít hơn nhiều, chỉ khoảng 967 triệu USD, nhờ biện pháp bảo vệ trước lũ lụt. Dữ liệu cũng cho thấy độ chính xác của dự báo. Sau trận lũ lụt hôm 13/9/2024, cơ quan thời tiết Áo nhận thấy lượng mưa thực tế khớp với mức dự đoán. “Khi xem xét tác động của lũ lụt vào tuần trước, chúng tôi nhận hệ thống chống lũ lụt rất đáng giá. Thiệt hại mà chúng tôi tránh được cao hơn nhiều so với mức đầu tư vào hệ thống. Đây là một câu chuyện thành công”, Blöschl chia sẻ.
Tại Áo, dự đoán chính xác và diễn tập quản lý lũ lụt giúp cứu sống sinh mạng trong trận lũ lụt gần đây nhất, không chỉ ở Vienne mà cả nhiều nơi khác tại Australia. Đội phản ứng khẩn cấp diễn tập cách dựng tường di động để ngăn lũ lụt. Dự báo chính xác cũng giúp xác định nơi đập có nguy cơ bị tràn và người dân cần sơ tán. Kết quả nghiên cứu cho thấy chuẩn bị trước đặc biệt quan trọng trong tình hình biến đổi khí hậu dẫn tới mưa bão ngày càng dữ dội hơn và lũ lụt nhiều hơn ở một số khu vực tại châu Âu. Một lý do là không khí ấm chứa nhiều hơi ẩm và năng lượng hơn, cung cấp nhiên liệu cho những cơn bão mạnh như bão Boris. Mùa hè năm 2024 là mùa hè nóng nhất trong lịch sử ở châu Âu và trên toàn cầu. Trên thực tế, mưa kỷ lục và lũ lụt diện rộng đang diễn ra thường xuyên ở châu Âu. Ước tính cứ 1 trong 8 người dân châu Âu sống ở khu vực dễ xảy ra lũ lụt.