Các nước Đông Nam Á sẽ chứng kiến lượng mưa cao hơn thông thường trong những tháng cuối năm 2024, đe dọa hoạt động sản xuất nông nghiệp, du lịch và công nghiệp.
Khu vực phía Tây của Singapore ghi nhận một trong những trận mưa lớn nhất nước này trong 40 năm qua hôm 14-10, gây ngập lụt diện rộng.
Theo thông báo của Cơ quan Quản lý nước quốc gia PUB, mưa giông giăng kín Singapore từ 8 giờ 15 phút đến 13 giờ 50 phút ngày 14-10, trút xuống lượng mưa khoảng 134,8 mm. “Lượng mưa này tương đương 80% lượng mưa bình quân tháng 10 của Singapore và nằm trong tốp lượng mưa cao nhất tính theo ngày kể từ năm 1978” – PUB cho biết.
Không chỉ Singapore, các nước Đông Nam Á khác cũng sẽ chứng kiến lượng mưa cao hơn thông thường trong những tháng cuối năm 2024, đe dọa hoạt động sản xuất nông nghiệp, du lịch và công nghiệp vốn đã bị gián đoạn bởi hàng loạt cơn bão mạnh trong năm.
Hãng tin Bloomberg dẫn dự báo của Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN cho biết nguyên nhân đến từ hiện tượng La Nina đang hình thành.
Ngập sâu tại Công viên Tự nhiên Voi ở tỉnh Chiang Mai – Thái Lan hôm 4-10. (Ảnh: REUTERS).
Ông Takahisa Nishikawa, lãnh đạo hoạt động dự báo của Công ty The Weather Company (Mỹ), dự báo Việt Nam sẽ hứng chịu nhiều bão nhiệt đới hơn bình thường từ nay đến tháng 4 năm sau, với những rủi ro lũ lụt, lở đất… Các khu vực chịu nhiều ảnh hưởng là miền Bắc và miền Trung. Mưa nhiều hơn cũng cản trở các nỗ lực khắc phục hậu quả do bão Yagi gây ra hồi tháng 9.
Trong khi đó, tính đến nay, Thái Lan thiệt hại khoảng 30 tỉ baht (gần 900 triệu USD) do lũ lụt kéo dài ở miền Bắc, đặc biệt ở các tỉnh Chiang Mai và Chiang Rai. Nước sông Ping dâng cao kỷ lục thời gian qua đã nhấn chìm nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở Chiang Mai cũng như buộc nhiều doanh nghiệp đóng cửa.
Báo Bangkok Post hôm 14-10 đưa tin chính phủ Thái Lan sắp áp dụng các biện pháp nhằm hồi sinh ngành du lịch ở miền Bắc đất nước. Trước mắt, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan có kế hoạch hỗ trợ khoảng 10.000 du khách đến những khu vực trên 400 baht/người (khoảng 11 USD), bắt đầu từ ngày 1-12 tới.
Các biện pháp hỗ trợ khác đang được xem xét, bao gồm cho doanh nghiệp du lịch vay khẩn cấp, giảm thuế và giảm chi phí tiện ích (điện, nước, internet…). Ngành du lịch đóng góp khoảng 20% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan.
Philippines cũng đang chật vật hồi phục sau khi hứng chịu hàng loạt cơn bão mạnh, cụ thể là Gaemi hồi tháng 7, Yagi vào tháng 9 và Krathon vào tháng 10. Philippines có thể đón lượng mưa cao hơn bình quân từ nay đến cuối năm và cao hơn bình quân tới 160% vào tháng 1 năm sau – theo cơ quan thời tiết nước này.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) dự báo có 60% khả năng La Nina hình thành vào cuối năm 2024. Trái ngược với El Nino, La Nina thường làm tăng lượng mưa ở miền Đông nước Úc, Đông Nam Á và Ấn Độ trong khi giảm lượng mưa ở châu Mỹ.
Nước biển ấm mà La Nina đẩy sang phía châu Á góp phần làm tăng bão cho khu vực này và khiến chúng vào gần bờ biển hơn.
Ông Benjamin Horton, Giám đốc Đài Quan sát trái đất Singapore, nhấn mạnh: “Biển ấm hơn thì các cơn bão càng có thêm năng lượng để ngày càng mạnh hơn. Những nơi như Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam nhiều khả năng chứng kiến nhiều siêu bão hơn”.
Một điều tạm “an ủi” là các nhà khoa học đồng thuận La Nina lần này có thể sẽ yếu và tồn tại ngắn hơn dự báo ban đầu. Hãng tin Reuters dẫn thông báo ngày 15-10 của Cục Khí tượng Úc cho biết nhiều khả năng La Nina chỉ “sống” đến tháng 2 năm sau thay vì tháng 3 như tính toán trước đó.