Bến Tre: Hỗ trợ tích cực các cơ sở sản xuất sản phẩm từ quả dừa

Bến Tre: Hỗ trợ tích cực các cơ sở sản xuất sản phẩm từ quả dừa

Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Bến Tre đã tích cực hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất các sản phẩm từ dừa.

Hiệu quả từ công tác khuyến công

Từ nhiều năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp ở nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Sở Công Thương tỉnh Bến Tre đã tích cực thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất từ kinh phí khuyến công, trong đó đặc biệt là từ chương trình khuyến công quốc gia thông qua việc thực hiện các đề án khuyến công quốc gia điểm qua từng giai đoạn.

Ông Nguyễn Văn Bé Sáu – Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre – cho biết, được sự quan tâm của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), tỉnh Bến Tre đã tiếp cận với nguồn kinh phí khuyến công từ Trung ương trung bình mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, nội dung hỗ trợ được tập trung vào việc ứng dụng các máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất.

Bến Tre: Hỗ trợ tích cực các cơ sở sản xuất sản phẩm từ quả dừa
Ông Nguyễn Văn Bé Sáu – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre

Cùng với đó, hàng năm UBND tỉnh Bến Tre cũng đã quan tâm bố trí khoảng 4 tỷ đồng để hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn đầu tư trang thiết bị máy móc, đào tạo lao động, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm…

“Qua đó, hoạt động khuyến công đã và đang phát huy hiệu quả, kịp thời giúp các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu, tháo gỡ khó khăn, góp phần phát triển công nghiệp nông thôn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động khu vực nông thôn”, Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre cho biết.

Ngoài ra, các đề án khuyến công đã được triển khai thực hiện theo đúng trình tự thủ tục và giám sát theo dõi thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo mục tiêu đề ra, thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn để đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Đáng chú ý, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn về nguồn lực phát triển sản xuất các sản phẩm từ dừa trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã xây dựng và triển khai thực hiện 2 đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bến Tre phát triển sản xuất sản phẩm từ dừa giai đoạn 2019 – 2020” và tiếp tục là “giai đoạn 2023 – 2025” nhằm tập trung đẩy mạnh vào các hoạt động hỗ trợ các cơ sở sản xuất chế biến dừa của địa phương như: Nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp; ứng dụng máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả cao; phát triển sản phẩm thông qua các hoạt động quảng bá sản phẩm tại các kỳ hội chợ trong nước…

Đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất chế biến sản phẩm từ quả dừa

Cũng theo ông Nguyễn Văn Bé Sáu, năm 2023, Bến Tre được Bộ Công Thương phê duyệt đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bến Tre phát triển sản xuất các sản phẩm từ dừa giai đoạn 2023-2025”. Trong đó, tổng kinh phí hỗ trợ năm 2023 là 1,883 tỷ đồng, kinh phí đối ứng của doanh nghiệp là 1,910 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm các hoạt động Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 6 cơ sở công nghiệp nông thôn (kinh phí hỗ trợ 1.800 triệu đồng). Tổ chức 1 hội thảo nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất (kinh phí tổ chức 83 triệu đồng).

“Năm 2024 và 2025, Bến Tre tiếp tục thực hiện đề án khuyến công quốc gia điểm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bến Tre phát triển sản xuất các sản phẩm từ dừa giai đoạn 2023-2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt”, ông Nguyễn Văn Bé Sáu thông tin.

Để đề án khuyến công quốc gia điểm được thực hiện, tại tỉnh Bến Tre thời gian qua đã phát huy tốt hiệu quả, mang lại cho các doanh nghiệp, cơ sở mở rộng quy mô, áp dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý chất lượng, giới thiệu được sản phẩm, phát triển được thị trường.

Cùng với đó, giúp cơ sở, doanh nghiệp quảng bá và giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước; tăng sức cạnh tranh đối với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, tăng sản lượng sản phẩm bán ra, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người; nâng cao năng lực xuất khẩu; gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp đóng góp vào quá trình tăng thu ngân sách cho địa phương.

“Cụ thể, năm 2023, Sở Công Thương Bến Tre đã thực hiện hỗ trợ cho 6 cơ sở công nghiệp nông thôn của tỉnh thực hiện nội dung ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia là 1,8 tỷ đồng. Đây là hoạt động thuộc đề án quốc gia điểm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bến Tre phát triển sản xuất các sản phẩm từ dừa giai đoạn 2023 – 2025”, ông Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết.

Bến Tre: Hỗ trợ tích cực các cơ sở sản xuất sản phẩm từ quả dừa
Kiểm tra tình hình đầu tư máy móc thiết bị trước khi nghiệm thu đề án tại Công ty TNHH Dừa Tân Hội

Trong các đơn vị được hỗ trợ, Công ty TNHH Dừa Đỉnh Cao (huyện Bình Đại) là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu về sản xuất chỉ xơ dừa tiêu biểu.

Theo ông Phan Hiếu Trung, Giám đốc Công ty TNHH Dừa Đỉnh Cao, với mong muốn mở rộng qui mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và khắt khe của thị trường hiện tại. Năm 2023, công ty đầu tư thêm 1 hệ thống tuốt chỉ xơ dừa nhờ vào kinh phí hỗ trợ từ chương trình khuyến công quốc gia, với công suất lên đến 8.600 vỏ dừa/giờ, giúp tăng sản lượng sản xuất đạt 90 tấn chỉ xơ dừa/tháng.

“Việc được hỗ trợ giúp ngoài việc giúp tăng sản lượng sản xuất, hệ thống máy tuốt chỉ xơ dừa còn giúp công ty tạo ra sản phẩm đồng nhất, sạch mụn, hạn chế đứt chỉ, kẹt chỉ như máy móc cũ hiện có điều này giúp tiết kiệm thời gian và nguyên liệu đầu vào. Ngoài ra, hệ thống còn giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ, từ đó giảm được chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm, đáp ứng kịp thời các đơn hàng còn tồn đọng tại công ty”, ông Trung chia sẻ.

Tương tự, đối với Công ty TNHH Đầu tư dừa Sơn Phú, là một doanh nghiệp trẻ của huyện Giồng Trôm, nhờ kinh phí hỗ trợ từ chương trình khuyến công quốc gia năm 2023, đã giúp công ty mạnh dạn đầu tư thêm máy móc mới phục vụ cho quá trình sản xuất đạt hiệu quả.

Từ đó, công ty bắt đầu nhận được nhiều đơn đặt hàng từ phía khách hàng và đối tác. Sản lượng tăng đáng kể lên đến 30-40% so với trước đó. Nhờ vậy công ty có thể sản xuất ổn định, đủ sản lượng cung ứng cho thị trường, đồng thời ký thêm được hợp đồng với các đối tác tại Trung Quốc, Hàn Quốc.