Bầu trời tối sầm và trông như cơn ác mộng của mọi người dân biển, dù đồng hồ đang chỉ 10h sáng.
Hiện tượng kỳ lạ này xảy ra vào cuối tuần qua tại Alabama, Mỹ. Một hàng dài những con sóng khổng lồ, cuồn cuộn nối đuôi nhau nơi chân trời và chầm chậm quét về phía trước. Người dân Alabama vừa kinh sợ, vừa sửng sốt, đã chụp lại quang cảnh và gửi về trạm khí tượng thủy văn địa phương. Đường dây nóng của cảnh sát và nhà chức trách liên tục bị nghẽn. Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất, hiển nhiên là “Cảnh sóng thần trên bầu trời kia có nghĩa là sao? Liệu đó có phải là điềm báo thảm họa”?
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những đám mây hình sóng thần này chính là thí dụ điển hình của “Sóng Kelvin – Helmholtz”, được hình thành khi hai lớp không khí va chạm vào nhau. Dù được ghi nhận trên bầu trời hay dưới đại dương, dạng chuyển động nhiễu loạn này luôn được hình thành khi một tầng “lỏng” chuyển động nhanh trượt lên trên một tầng khác dày hơn, chuyển động chậm hơn.
Trong trường hợp này, tầng khí quyển thấp nhất (50 – 100), gần sát mặt đất có độ ổn định cao hơn so với các tầng khí quyển phía trên vào buổi sáng. Chừng nào nhiệt độ mặt đất chưa tăng lên do nhiệt từ mặt trời thì tầng thấp vẫn ổn định hơn tầng cao. Sóng Kelvin-Helmhotlz sẽ xảy ra khi gió xuyên qua các tầng khí này, gây mất ổn định phần trên cùng của tầng đáy và nhồi thêm không khí vào các tầng dao động. Kết quả là tầng khí ổn định bị nâng lên, lạnh đi và đặc lại. Tới một mức độ nào đó, toàn bộ quá trình này sẽ trở nên hữu hình và tạo ra những hình thù kỳ dị trên bầu trời.
Tương tự, sóng nước sẽ hình thành khi các tầng “lỏng” phía trên (ví dụ như không khí), chuyển động nhanh hơn các tầng “lỏng” bên dưới (thí dụ như nước). Khi sự khác biệt giữa tốc độ của gió và nước tăng tới một mức nào đó, sóng sẽ vỡ ra và tạo thành chuỗi hình Kelvin-Helmholtz (được đặt tên theo hai nhà khoa học Đức phát hiện ra hiện tượng này).
Trước đó, các nhà khí tượng cũng đã thu thập được nhiều hình ảnh mây kỳ lạ do sóng Kelvin-Helmhotlz gây ra.