9 tháng năm 2024: Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh tăng 7,5%

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn và Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn đến thăm, làm việc với Công ty Amkor Technology Việt Nam sáng 12/9/2024

Sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh đã và đang phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng qua tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (ngành 26) – ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh tăng 7,6%.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn và Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn đến thăm, làm việc với Công ty Amkor Technology Việt Nam sáng 12/9/2024
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đến thăm, làm việc với Công ty Amkor Technology Việt Nam. Ảnh: KD

Trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bắc Ninh chú trọng phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu. Mục tiêu đến năm 2030, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như sản xuất thiết bị điện tử; sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ ngành hàng không, sản xuất thiết bị công nghệ cao và dược phẩm, thiết bị công nghiệp y khoa…

Để đạt mục tiêu này, Bắc Ninh tiếp tục phát huy lợi thế sẵn có và duy trì ngành sản xuất điện tử là động lực chính cho phát triển công nghiệp, tập trung vào phân khúc giá trị cao, cụ thể là các dòng điện thoại thông minh và thiết bị đeo thông minh. Từ đó, từng bước nâng cao vị thế trên chuỗi giá trị điện tử, tích hợp chuỗi giá trị với các hoạt động nghiên cứu phát triển và thiết kế; mở rộng chuỗi cung ứng đến sản xuất, trở thành thủ phủ chất bán dẫn của Việt Nam.

Cùng với công nghiệp, hoạt động thương mại, dịch vụ 9 tháng qua trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng diễn ra sôi nổi, đạt mức tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước 74.778 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 55.588 tỷ đồng, tăng 6,6%; doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống 6.859 tỷ đồng, tăng 4,8%; doanh thu dịch vụ 11.931 tỷ đồng, tăng 23%.

Đáng chú ý, thu hút đầu tư vẫn là điểm nhấn trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh 9 tháng qua. Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh cho thấy, thu hút đầu tư nước ngoài tăng gấp 1,3 lần so với cùng kỳ về số dự án cấp mới, gấp 1,8 lần về số vốn đăng ký; tổng số vốn cấp mới và đăng ký điều chỉnh tăng thêm đạt trên 4,2 tỷ USD, đứng đầu cả nước; thu hút đầu tư trong nước tăng gấp 2,9 lần về số dự án cấp mới, tăng gấp 3,2 lần về số vốn đăng ký; thành lập mới doanh nghiệp tăng 12,6%.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng, thời gian qua, địa phương đã đổi mới mạnh mẽ các phương thức, hoạt động để đem lại hiệu quả trong hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, có thể kể đến như: Tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024. Lãnh đạo tỉnh gặp mặt tổ hợp Samsung Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Việt Nam… tiêu biểu.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng đã đi thăm và làm việc với Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH Goertek Vina… nhằm chia sẻ, giải quyết những khó khăn, kiến nghị. Tiếp và làm việc với Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam, Chủ tịch tập đoàn Goertek, Tập đoàn Johnson (Đài Loan – Trung Quốc), Tập đoàn Công nghệ CMC, Công ty Kine SIC Semi (Mỹ)… đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại tỉnh; tiếp và làm việc với các đoàn công tác trong và ngoài nước đến tìm hiểu, hợp tác đầu tư…

Tuy nhiên, trong bức tranh chung đó, hoạt động xuất nhập khẩu lại giảm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng ước 55,2 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 72,8% kế hoạch; trong đó, xuất khẩu ước 29,8 tỷ USD, giảm 2,3%; nhập khẩu ước 25,4 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm 2023.

Phó Chủ tịch Ngô Tân Phượng cho biết thêm, qua rà soát, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh còn 42 vấn đề khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ và công tác chuyên môn liên quan đến 8 ngành, lĩnh vực, như: Xuất nhập khẩu, y tế, tài nguyên môi trường…

Vì vậy, UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị các bộ, ngành trung ương sớm xem xét, tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, cơ chế, chính sách, hoặc có văn bản hướng dẫn giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thời gian qua, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất khẩu tại địa phương.