Một nhóm các nhà khoa học quốc tế cho biết nhiệt độ cực đoan trên khắp châu Á trong tháng qua đã trở nên tồi tệ hơn rất có thể là do biến đổi khí hậu gây nên.
Tại Mohenjo Daro, một thị trấn ở Sindh được biết đến với các địa điểm khảo cổ có từ nền văn minh Thung lũng Indus được xây dựng vào năm 2500 trước Công nguyên, nhiệt độ đã tăng cao tới 52,2 độ C trong 24 giờ qua.
Những người đàn ông đi xe máy trùm khăn ướt lên đầu để làm mát và tránh ánh nắng mặt trời trong một ngày hè nóng bức ở Jacobabad, Pakistan vào ngày 26 tháng 5 năm 2024. (Ảnh: REUTERS).
Mohenjo Daro vốn là một thị trấn nhỏ có mùa hè nóng bức, mùa đông ôn hòa và lượng mưa ít. Các khu chợ ở đây gồm có tiệm bánh, quán trà, cơ khí, cửa hàng sửa chữa điện tử và người bán rau quả, thường rất nhộn nhịp với khách hàng. Nhưng với đợt nắng nóng hiện nay, các cửa hàng gần như không có khách.
Wajid Ali, 32 tuổi, chủ một quán trà trong thị trấn cho biết: “Khách hàng không đến nhà hàng vì nắng nóng quá mức”.
Gần cửa hàng của Ali là một cửa hàng sửa chữa điện tử do Abdul Khaliq 30 tuổi điều hành. Khaliq cũng phàn nàn về việc nắng nóng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Bác sĩ địa phương Mushtaq Ahmed nói thêm rằng người dân nơi đây đã thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và thích ở trong nhà hoặc gần khu vực có nước hơn.
Nhiệt độ cao nhất được ghi nhận ở Pakistan là vào năm 2017 khi nhiệt độ tăng lên 54 độ C tại thành phố Turbat, nằm ở tỉnh Balochistan phía Tây Nam. Sardar Sarfaraz, Giám đốc Khí tượng học tại Cục Khí tượng Pakistan cho biết, đây là thời điểm nóng thứ hai ở châu Á và thứ tư trên thế giới.
Đợt nắng nóng sẽ giảm dần ở Mohenjo Daro và các khu vực lân cận, nhưng một đợt nắng nóng khác dự kiến sẽ tấn công các khu vực khác ở Sindh, bao gồm thủ đô Karachi – thành phố lớn nhất Pakistan.