Các chuyên gia cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực chịu nhiều tác động nhất từ biến đổi khí hậu với diễn biến bất thường của lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn. Mặc dù đã có nhiều giải pháp được đề xuất để thích nghi và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, nhưng người dân nơi đây vẫn đang loay hoay để tìm được cách thức ứng phó tốt nhất.
Bà Donna McGowan – Giám đốc Quốc gia Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết, dự án “Kỹ năng về khí hậu – Hạt giống cho chuyển đổi xanh” là chương trình hợp tác quốc tế do Vương quốc Anh chủ trì. Chương trình nhằm trang bị cho những người trẻ dễ bị tổn thương những kỹ năng cần thiết để có thể tham gia và trở thành một phần của quá trình chuyển đổi xanh. Đặc biệt, thông qua chương trình này, các chuyên gia sẽ thúc đẩy vai trò của giáo dục trong thích ứng với biến đổi khí hậu, giải quyết các tác động và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Trần Ngọc Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, chương trình sẽ do Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam triển khai tại 3 tỉnh/thành phố gồm: Cần Thơ, Kiên Giang và Sóc Trăng hướng tới 4 nhóm mục tiêu: nâng cao năng lực cho 300 thanh niên nòng cốt; tập huấn trang bị kỹ năng cho 2.000 thanh niên tại 3 tỉnh/thành phố tham gia; hợp tác tạo cơ hội việc làm cho thanh niên của các địa phương; hỗ trợ triển khai 5-8 dự án lập nghiệp, khởi nghiệp xanh. Chương trình sẽ góp phần cải thiện đời sống cũng như hệ sinh thái thông qua cung cấp kiến thức và giải pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại các tỉnh/thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.