Theo Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) ngày 8-5, thế giới vừa trải qua tháng 4 nóng kỷ lục kể từ khi bộ dữ liệu của C3S được thiết lập vào năm 1940.
Theo C3S, đây là tháng thứ 11 liên tiếp chứng kiến kỷ lục nhiệt độ cao toàn cầu được xác lập (từ tháng 6-2023 đến nay).
“Trong khi sự thay đổi nhiệt độ liên quan đến các chu kỳ tự nhiên như El Nino đến rồi đi, năng lượng dư thừa bị giữ lại trong đại dương và khí quyển do nồng độ khí nhà kính ngày càng tăng sẽ tiếp tục đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức kỷ lục mới” – Giám đốc C3S Carlo Buontempo đưa ra dự báo đáng ngại.
Xe cộ đi lại trên đường trong điều kiện nắng nóng ở TP Bhubaneswar – Ấn Độ ngày 2/5. (Ảnh: REUTERS)
Nhà khoa học khí hậu Hayley Fowler tại ĐH Newcastle (Anh) nhận định dữ liệu mới nhất cho thấy thế giới nhiều khả năng không đạt được mục tiêu ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (giai đoạn 1850-1900).
Theo bà, nhân loại đã thua trong trận chiến nói trên và giờ cần suy nghĩ nghiêm túc về việc ngăn nhiệt độ tăng quá 2 độ C và giảm lượng khí thải càng nhanh càng tốt.
Mục tiêu 1,5 độ C là mức mà các nhà khoa học cho rằng sẽ tránh được những hậu quả tai hại nhất của hiện tượng nóng lên, như nắng nóng gây chết người, lũ lụt và sự mất mát không thể khắc phục được của hệ sinh thái.
Cũng trong ngày 8-5, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết tháng rồi là tháng 4 nóng nhất trong vòng 40 năm qua. Theo BMKG, nhiệt độ tháng 4-2024 cao hơn tới gần 1 độ C so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, Hàn Quốc cũng ghi nhận tháng 4 ấm nhất kể từ năm 1973. Theo hãng tin Yonhap, nhiệt độ trung bình trong tháng này là 14,9 độ C, cao hơn mức kỷ lục trước đó là 14,7 độ C năm 1998.
Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc cũng lưu ý nhiệt độ trung bình tại nước này đã tăng 0,8 độ C trong 51 năm qua. Nhật Bản cũng vừa trải qua tháng 4 có nhiệt độ trung bình cao nhất trong gần 130 năm qua.