Hố xanh Taam Ja’ sâu ít nhất 420m dưới mực nước biển và có thể kết nối với một hệ thống hang động và đường hầm ẩn.
Trong chuyến lặn thám hiểm ngày 6/12/2023 nhằm xác định những điều kiện môi trường phổ biến tại hố xanh Taam Ja’ của Mexico, các nhà nghiên cứu phát hiện đây là hố sụt dưới nước sâu nhất thế giới dù thậm chí chưa đo tới đáy. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Frontiers in Marine Science hôm 29/4, do Juan Carlos Alcérreca-Huerta, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Hội đồng Khoa học và Công nghệ Quốc gia Mexico, cùng các đồng nghiệp tiến hành.
Được biết đến với tên gọi khoa học là địa hình Karst, các hố xanh này thực chất là những hang động biển thẳng đứng (còn gọi là hố sụt) được hình thành qua hàng nghìn năm bởi dòng chảy từ thời Kỷ băng hà, với độ sâu có thể lên đến hàng trăm mét. Chúng hình thành khi nước trên bề mặt thấm qua đá, hòa tan khoáng vật và khiến các vết nứt ngày càng mở rộng, cuối cùng khiến đá sụp đổ.
Hệ thống hố xanh mới nhất này được phát hiện ngoài khơi Vịnh Chetumal của Bán đảo Yucatan và đã được các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu thông qua các hình thức như khảo sát, lấy mẫu, sử dụng kỹ thuật sóng âm cùng nhiều phương pháp khác.
Các phép đo mới cho thấy hố xanh Taam Ja’ ở vịnh Chetumal, ngoài khơi bờ biển đông nam của bán đảo Yucatan, sâu ít nhất 420 m dưới mực nước biển. Như vậy, cấu trúc này sâu hơn 146 m so với số liệu đo đạc khi phát hiện lần đầu vào năm 2021 và sâu hơn 119 m so với cấu trúc giữ kỷ lục trước đó – hố xanh Sansha Yongle, còn gọi là Hố Rồng, sâu 301 m ở Biển Đông.
Hố xanh được tìm thấy tại các vùng biển có độ sâu lên đến hàng trăm mét.
Đáng chú ý hơn, hố xanh Taam Ja’ có độ dốc gần 80 độ, tạo thành một cấu trúc hình nón lớn. Các bức tường xung quanh được tạo nên từ miệng núi lửa giúp che chắn vùng nước bên trong hố khỏi thuỷ triều, khiến cho dòng chảy của nó hoàn toàn tĩnh lặng, và từ đó tạo nên môi trường sống hoàn toàn cách biệt cho các sinh vật bên trong.
Thật không may, tuy có giá trị cao về mặt sinh học, rất ít nhà khoa học có thể tiến hành nghiên cứu những chiếc hố xanh. Nguyên nhân là vì dòng chảy của thuỷ triều khiến vùng nước được phân tầng rõ rệt bởi một lớp nước ngọt trên bề mặt, ngăn không cho oxy tiếp cận với vùng nước mặn dày đặc bên dưới.
Vì vậy, thay vì oxy, các hố xanh này lại chứa đầy khí độc hydro sunfua có thể gây nguy hiểm đến tính mạng đối với những người tiếp cận mà không có thiết bị phù hợp.
Những hình ảnh về cấu trúc bên trong hố.
Bất chấp những điều kiện khắc nghiệt, hố xanh thực sự là những “ốc đảo bên dưới đại dương” tràn đầy sinh vật có khả năng thích nghi với điều kiện ít oxy. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng tin rằng tình trạng thiếu oxy này còn vô tình mang lại tác dụng phụ giúp bảo quản hóa thạch một cách hoàn hảo, cho phép họ xác định được một số loài tuyệt chủng đã lâu.
Trên thực tế, các hố xanh dưới đáy biển có thể cung cấp lượng thông tin khổng lồ về cả không gian và thời gian. Chẳng hạn, vào năm 2012, trong quá trình khám phá hố xanh ở Bahamas, các nhà khoa học đã phát hiện ra loại vi khuẩn nằm sâu trong các hang động nơi không sự sống nào khác có thể tồn tại. Phát hiện này có khả năng lấp đầy khoảng trống kiến thức về những dạng sống có khả năng tồn tại trên hành tinh khác.