Ô nhiễm không khí khiến hàng triệu người tử vong mỗi năm, đặc biệt là ở các thành phố lớn nhất thế giới. Vậy các siêu đô thị đã triển khai những biện pháp gì để thanh lọc không khí?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là vấn đề lớn trên toàn cầu bởi nó góp phần gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong mỗi năm. Cư dân tại các thành phố lớn nhất thế giới, từ New Delhi (Ấn Độ) đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hay Los Angeles (Mỹ) đều nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm không khí. Nhưng phân tích của kênh DW (Đức) cho thấy tín hiệu khả quan là ở nhiều siêu đô thị, không khí đang dần trở nên tốt hơn. Phân tích tập trung vào thước đo ô nhiễm không khí là chỉ số bụi mịn PM2.5.
Bà Sophie Gumy tại bộ phận Biến đổi Khí hậu, Môi trường và Sức khỏe của WHO phân tích: “Hạt bụi mịn càng nhỏ thì chúng càng có thể xâm nhập sâu vào cơ thể”. PM 2.5 nhỏ đến mức có thể xâm nhập vào phổi và máu, gây ra các vấn đề về hô hấp, bệnh tim và ung thư phổi.
Vật chất dạng hạt ở các thành phố chủ yếu xuất phát từ khí thải ô tô và các phương tiện khác. Các nhiên liệu rắn như than, gỗ hoặc dầu hỏa được sử dụng làm năng lượng, nhiệt và nấu ăn cũng góp phần gây ô nhiễm.
Để tìm hiểu về mức độ ô nhiễm trong những năm gần đây, DW đã phân tích dữ liệu từ IQAir, công ty Thụy Sĩ điều hành nền tảng giám sát chất lượng không khí AirVisual. Dữ liệu bao gồm các mức PM2.5 tại những thành phố có dân số hơn 10 triệu người. Có 21 thành phố đã cải thiện mức độ ô nhiễm không khí trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2022.
Để chống ô nhiễm không khí, các thành phố đang thực hiện nhiều chiến lược khác nhau. Ở nhiều nơi, giao thông vận tải đóng vai trò quan trọng. Các biện pháp hiệu quả thường ưu tiên xe ô tô thân thiện môi trường hơn hoặc giảm phương tiện này, khuyến khích đi bộ, xe đạp, mở rộng giao thông công cộng. Ví dụ, Bangkok (Thái Lan) đang mở rộng các dịch vụ đường sắt trên cao và tàu điện ngầm, trong khi New Delhi (Ấn Độ) đặt mục tiêu 80% xe buýt chạy bằng điện.
Ông Zoe Chafe tại mạng lưới C40 giúp gần 100 thành phố thành viên trở nên thân thiện với môi trường hơn, nói với DW rằng nhiều đô thị cũng đang thử nghiệm các khu vực phát thải thấp. Đây là những khu vực giới hạn ô tô hoặc cấm hoàn toàn phương tiện này, thiết kế đường phố để tạo thêm không gian cho người đi bộ và người đi xe đạp. Ông Chafe nói: “Đây là thứ đang gây được tiếng vang trên tất cả các khu vực trên thế giới và nó thực sự thú vị”.
Sương mù dày đặc tại Amritsar, Ấn Độ ngày 30/12/2023. (Ảnh: AFP).
Công nghiệp là một khía cạnh quan trọng khác cần giải quyết. Một ví dụ là kế hoạch hành động của New Delhi chống ô nhiễm không khí cũng tập trung vào việc giảm bụi từ công trường xây dựng và chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn cùng kỹ thuật hiệu quả hơn.
New Delhi vẫn nằm trong số những nơi ô nhiễm nhất hành tinh, đặc biệt là trong các tháng mùa Đông. Năm 2023, sương mù tồi tệ đến mức các trường học tại New Delhi phải đóng cửa. Mặc dù vậy, New Delhi đã giảm 15% mức độ ô nhiễm trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2022. Một trong những nguyên nhân chính có thể là do nhà máy điện than Badarpur đã ngừng hoạt động vào năm 2018. Người ta ước tính công trình này là “thủ phạm” gây ra khoảng 10% ô nhiễm không khí dạng hạt chỉ riêng ở New Delhi.
Ở những nơi rác thải không được thu gom và xử lý phù hợp, người dân buộc phải đốt chúng ngoài trời, dẫn đến khói bụi độc hại, góp phần gây ô nhiễm không khí. Vì vậy, quy định và cơ sở hạ tầng để quản lý rác thải phải là một phần không thể thiếu trong kế hoạch chống ô nhiễm không khí của các thành phố.
Bà Bhavreen Kandhari, người sáng lập Warrior Moms vận động cho không khí sạch hơn trên khắp Ấn Độ trong hơn 20 năm qua, nói với DW: “Có những quy định về quản lý chất thải rắn từ năm 2016 nhưng chúng vẫn chưa được thực thi”.
Khi các biện pháp được thực hiện triệt để, tác động có thể rất đáng kể. Ví dụ, các thành phố trên khắp Trung Quốc đã giảm mức độ ô nhiễm một cách ngoạn mục trong vài năm qua. Đây là kết quả của cái mà chính phủ Trung Quốc gọi là “cuộc chiến chống ô nhiễm không khí” với một loạt biện pháp nhằm vào tất cả các nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này. Trong số đó có tiêu thụ năng lượng để sưởi ấm và điện.
Bắc Kinh đã áp đặt các giới hạn phát thải nghiêm ngặt đối với lò hơi dùng để sưởi ấm và làm nóng nước tại các hộ gia đình. Bắc Kinh còn trợ cấp cho các hộ gia đình chuyển từ lò hơi đốt than sang khí đốt tự nhiên hoặc điện.
Một nghiên cứu kết luận rằng việc cải tạo các lò hơi này góp phần giảm 20% mức độ ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh. Ngoài Trung Quốc, nhiều quốc gia trên toàn thế giới đang đầu tư vào năng lượng tái tạo, loại bỏ dần than đá và tìm giải pháp thay thế cho bếp đốt củi và than. Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã chuyển sang máy sưởi gas vào đầu những năm 1990 và hiện đang xem xét các giải pháp thay thế thân thiện với môi trường hơn như máy bơm nhiệt.
Sương mù bao phủ trên một tuyến đường ở Lahore, Pakistan, ngày 4/12/2023. (Ảnh: AFP).
Khi các thành phố muốn cải thiện chất lượng không khí, bước đầu tiên thường là cải thiện thu thập dữ liệu. Ví dụ, ở Pakistan, vẫn còn rất ít trạm giám sát chính thức của chính phủ, gây khó khăn cho công tác đánh giá chất lượng không khí. Nhưng những người như ông Abid Omar, sáng lập Pakistan Air Quality Iniative vào năm 2016, đang nỗ lực thay đổi điều này. Ông nói: “Các cá nhân, tập đoàn, tổ chức có cùng chí hướng đã hợp tác với nhau bằng những thiết bị giám sát chi phí thấp và cung cấp dữ liệu một cách công khai trên internet. Dữ liệu đó là thứ đang thúc đẩy nhận thức”.
Ông Zoe Chafe của C40 cho rằng nguồn lực tài chính rất quan trọng để các thành phố thực hiện thay đổi.
Ông lập luận: “Bắc Kinh đã đầu tư nhiều vào vấn đề chất lượng không khí. Và đó là câu hỏi quan trọng đối với nhiều thành phố khác hiện nay. Liệu họ có đủ ngân sách để thực hiện bước thay đổi lớn về chất lượng không khí không?”. Trung Quốc đã đầu tư hơn 20 tỷ nhân dân tệ mỗi năm vào kiểm soát ô nhiễm không khí trong vài năm qua.
Ô nhiễm không khí có thể di chuyển qua khoảng cách lớn, vượt qua ranh giới chính trị. Ví dụ, việc đốt rơm rạ ở các bang nông thôn phía Bắc Ấn Độ đã gây sương mù nghiêm trọng cho New Delhi và khu vực xung quanh mỗi năm sau mùa thu hoạch. Vấn đề tương tự ảnh hưởng đến đồng bằng sông Nile quanh Cairo ở Ai Cập hoặc Indonesia, nơi khói từ cháy nông nghiệp thậm chí còn lan sang cả nước láng giềng Singapore và Malaysia. Vì vậy, ông Chafe nhấn mạnh các thành phố, khu vực và quốc gia sẽ phải phối hợp để thay đổi. Ông kết luận: “Điều cốt lõi là sức khỏe của người dân. Việc ô nhiễm không khí đến từ đâu không quan trọng, điều cực kỳ quan trọng là nó giảm”.
Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài với nhiều việc phải thực hiện. Mức độ ô nhiễm không khí ở hầu hết các thành phố trên thế giới vẫn vượt quá giới hạn 5 microgam trên một mét khối không khí của WHO. Bà Sophie Gumy của WHO lưu ý rằng ngay cả những nơi ô nhiễm vẫn còn cao, bất kỳ mức độ giảm nào cũng sẽ cải thiện sức khỏe. Và nỗ lực nào nhằm hạn chế ô nhiễm không khí sẽ giúp chống lại biến đổi khí hậu.