Một nghiên cứu vừa được công bố vào cuối tháng 7/2024 do các nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania, Đại học Rowan ở Hoa Kỳ, Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore đồng nghiên cứu cho thấy các cơn bão nhiệt đới ở Đông Nam Á hiện đang ngày càng hình thành gần bờ biển hơn, mạnh lên nhanh hơn và lưu lại trên đất liền lâu hơn.
Những thay đổi này, do biến đổi khí hậu, làm gia tăng rủi ro cho hàng chục triệu người ở các vùng ven biển, trong đó các thành phố như Hải Phòng (Việt Nam), Yangon (Myanmar) và Bangkok (Thái Lan) phải đối mặt với mối đe dọa chưa từng có từ những cơn bão kéo dài và dữ dội hơn.
Siêu bão Yagi gây thiệt hại lớn tại Việt Nam.
Bão nhiệt đới là một cơn bão mạnh, xoay tròn hình thành trên vùng biển ấm và mang theo gió mạnh và mưa lớn. Bão nhiệt đới thường hình thành ở vùng nhiệt đới gần đường xích đạo, đặc trưng bởi vùng biển ấm và nhiệt độ ổn định, cung cấp nhiệt và độ ẩm cần thiết để các cơn bão này phát triển và mạnh lên.
Dựa trên phân tích hơn 64.000 cơn bão mô hình trong lịch sử và tương lai từ thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 21, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature là Climate and Atmospheric Science đã nêu bật những thay đổi đáng kể trong hành vi của xoáy thuận nhiệt đới ở Đông Nam Á, chẳng hạn như sự hình thành gia tăng gần bờ biển và di chuyển chậm hơn trên đất liền, điều này có thể gây ra những rủi ro mới cho khu vực.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng, biến đổi khí hậu làm thay đổi đường đi của các cơn bão nhiệt đới ở Đông Nam Á. Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên sử dụng dữ liệu từ nhiều mô hình khí hậu khác nhau để xem xét các cơn bão trong thế kỷ 19, 20 và 21.
Con người cần giải quyết hậu quả do chính mình gây ra
Nhóm nghiên cứu giải thích rằng trên khắp thế giới, các cơn bão nhiệt đới bị ảnh hưởng bởi nước biển ấm lên và nước biển càng ấm thì các cơn bão càng có thể lấy được nhiều năng lượng từ chúng. Hiện tượng nước biển ấm lên một phần không nhỏ đến từ biến đổi khí hậu do chính con người gây ra.
Tác giả chính, Phó giáo sư Andra Garner, tại Khoa Trái đất và Môi trường của Đại học Rowan cho biết: “Đông Nam Á có bờ biển đông dân, hiện là nơi sinh sống của hơn 70% dân số toàn cầu phải chịu tác động của mực nước biển dâng trong tương lai. Khi bạn nhìn vào bờ biển đông dân đó và khi đây là khu vực bị ảnh hưởng bởi các cơn bão nhiệt đới, thì có một rủi ro lớn thực sự, đặc biệt là khi những cơn bão đó trở nên tàn phá hơn và dân số tiếp tục tăng”.
Đồng tác giả của nghiên cứu, Giáo sư Benjamin Horton, Giám đốc Đài quan sát Trái đất Singapore của NTU, cho biết: “Các cơn bão nhiệt đới đã gây ra mưa như trút nước và lũ lụt nghiêm trọng trên khắp Đông Nam Á, thúc đẩy các cuộc di tản hàng loạt, phá hủy cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của hàng nghìn người. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy khi các cơn bão di chuyển qua các đại dương ấm hơn do biến đổi khí hậu, chúng sẽ kéo theo nhiều hơi nước và nhiệt hơn. Điều đó có nghĩa là gió mạnh hơn, lượng mưa lớn hơn và lũ lụt nhiều hơn khi bão đổ bộ vào đất liền”.
Những cơn bão ở Đông Nam Á được dự báo sẽ ngày càng mạnh thêm do biến đổi khí hậu.
Không giống như các nghiên cứu truyền thống về các kiểu thời tiết và bão trong lịch sử, các nhà nghiên cứu đã thiết kế các mô phỏng máy tính để điều chỉnh nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như dự báo về sự gia tăng khí thải do con người gây ra và tác động của chúng đến tình trạng nóng lên của hành tinh.
Các mô phỏng cho thấy những thay đổi về nơi hình thành, mạnh lên, chậm lại và cuối cùng là tan biến của xoáy thuận, cung cấp những hiểu biết quan trọng về tác động của khí hậu ấm lên đối với những cơn bão này.
Đồng tác giả nghiên cứu Tiến sĩ Dhrubajyoti Samanta, Nghiên cứu viên cao cấp tại Đài quan sát Trái đất Singapore của NTU chia sẻ: “Bằng cách xem xét các cơn bão trong thời gian dài, nghiên cứu của chúng tôi cung cấp những hiểu biết có thể giúp các chính phủ chuẩn bị cho các cơn bão trong tương lai và hướng dẫn lập kế hoạch phát triển cộng đồng. Tận dụng chín mô hình khí hậu toàn cầu, nghiên cứu này làm giảm đáng kể sự không chắc chắn trong việc dự đoán những thay đổi của bão nhiệt đới, vốn là một thách thức trong các nghiên cứu trước đây chỉ sử dụng một mô hình duy nhất”.
Bão Yagi đổ bộ tại miền Nam Trung Quốc.
Phó Giáo sư Garner nói thêm: “Có hai điều cần rút ra: Thứ nhất, chúng ta nên hành động để giảm lượng khí thải, để chúng ta có thể hạn chế tác động của những cơn bão trong tương lai. Thứ hai, chúng ta nên hành động ngay bây giờ để bảo vệ những bờ biển đó cho tương lai, nơi có khả năng sẽ chứng kiến một số tác động của bão nhiệt đới tồi tệ hơn bất kể lượng khí thải trong tương lai là bao nhiêu”.
Nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành các nghiên cứu chi tiết hơn để hiểu rõ hơn về điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong khu vực và xác định thêm cách chúng có thể tác động đến những nhóm dân cư dễ bị tổn thương.